Như Khoa học và Đời sống số 1 đã thông tin, tập thể các hộ nuôi cá tầm Lâm Đồng đã có thư phản ánh hiện đang có tình trạng cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại hợp pháp của Cites đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Việc này khiến giá bán cá tầm nuôi trong nước rớt thê thảm...
Gian nan xác định chủng loại…
Liên quan đến vụ việc cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại nhưng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam, ngày 2/12/2021, Bộ Tài chính đã có văn bản 13797 gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét lại đơn vị được chấp nhận xác định chủng loại cá tầm được nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo văn bản này, sau khi nhận được kiến nghị từ Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan lấy mẫu gửi giám định tại các cơ quan khoa học CITES mà Bộ NN&PTNT chỉ định nhưng kết quả giám định của các cơ quan trên đều không xác định cụ thể về giống, loài, con lai hay con thuần chủng của cá tầm nhập khẩu có đúng với tên ghi trên giấy phép CITES hay không.
Để có cơ sở giải quyết, hải quan liên tiếp có nhiều công văn đề nghị Bộ NN&PTNT, cơ quan CITES xác định lại cụ thể về các mẫu cá tầm nói trên có phù hợp giấy phép CITES, có được nhập khẩu vào Việt Nam không. Nếu không xác định được thì tạm dừng cấp phép, thu hồi giấy phép CITES đã cấp.
Tuy nhiên, phía cơ quan CITES cho rằng, chưa đủ căn cứ pháp lý để tạm dừng cấp hay thu hồi giấy phép CITES đã cấp cho doanh nghiệp, trong khi Bộ NN&PTNT không có ý kiến trả lời.
Bộ Tài chính khẳng định danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan sớm có trả lời để làm cơ sở cho cơ quan hải quan giải quyết thông quan hàng hóa. Trường hợp phải thực hiện phương pháp giám định khác để kết luận chính xác hơn thì đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể cơ quan giám định và phương pháp giám định để các doanh nghiệp, hải quan thực hiện thống nhất.
… rộng đường doanh nghiệp nhập khẩu
Việc các cơ quan chức năng đang tranh cãi cấp phép, giám định, thông quan với cá tầm ngoại lai, thì việc nhập khẩu vẫn đang diễn ra đều đặn từ năm 2020 đến nay.
Đáng chú ý, việc nhập khẩu cá tầm tăng mạnh sau khi Chính phủ có yêu cầu siết chặt kiểm soát chủng loại. Cụ thể, ngày 23/7/2020, trước những lo ngại lây lan virus Covid-19 qua động vật hoang dã, Thủ tướng đã có Chỉ thị 29 yêu cầu siết chặt việc nhập khẩu động vật hoang dã, trong đó có cả cá tầm.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cơ quan quản lý CITES Việt, từ ngày 23/7/2020 - 8/2/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu chính ngạch số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 2.988 tấn. Trong khi đó, từ ngày 28/1 - 23/7/2020, có 7 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 337 tấn cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam. Như vậy, sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, số lượng cá tầm nhập vào Việt Nam đã tăng gấp 9 lần.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp dù biết nhập khẩu sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Cụ thể như ngày 17/3/2021, Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, hàng hóa nhập khẩu thực tế của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai báo Hải quan và Giấy phép nhập khẩu.
Nhưng khi Hải quan đến kiểm tra lưu kho của doanh nghiệp này ngày 23/3/2021, toàn bộ lô hàng doanh nghiệp đã tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui ngày 19/3/2021 đăng ký tờ khai nhập khẩu 9,2 tấn cá Tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai vào cuộc kiểm tra, 6 mẫu cá nhập thực tế không đúng chủng loại với khai báo hải quan và giấy phép được cấp trước.
Một doanh nghiệp khác có tên tuổi trong nhập khẩu cá tầm là Công ty TNHH thủy sản Sỹ Hưng cũng hoạt động nhập khẩu từ năm 2020 đến nay.
Đáng chú ý, Sỹ Hưng là công ty “anh em” với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Tú khi có chung địa chỉ đăng ký là số 1 ngõ 562, tổ 19 đường Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội và đều do bà Nguyễn Thị Thư đứng danh.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú cũng từng khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về. Số lượng hàng thừa được xác định lên đến 850kg. lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với công ty này.
Ngoài ra, còn có thể kể đến những cái tên như Công ty TNHH Việt See Pro, Công ty TNHH MTV Minh Tín (Lai Châu), Công ty TNHH MTV TMDV XNK Hòa Hưng…
Điều đáng nói, các doanh nghiệp này nhập khẩu có khai tờ khai, nhưng do Hải quan, Bộ NN&PTNT, Cites vẫn đang phân vân cách xác định chủng loại, nên Hải quan rất khó kiểm soát chất lượng cụ thể.
Văn bản số 2262 ngày 10/12/2021 của Cục Hải quan Lào Cai cho biết, 6 doanh nghiệp có tờ khai hải quan nhập khẩu cá tầm thì Hải quan chỉ xác định được 1 doanh nghiệp “Nhập khẩu hàng có đúng với Cites hay không”, 5 doanh nghiệp còn lại đều “chưa xác định được thuần chủng và có đúng theo Cites cấp hay không”.
Tất nhiên, khi cơ quan quản lý vẫn đang băn khoăn trong việc xác định chủng loại cá tầm, thì lượng lớn cá tầm vẫn tiếp tục vào Việt Nam khiến các hộ gia đình chăn nuôi cá tầm trong nước “điêu đứng” vì phải bán với giá rẻ không đủ thu hồi vốn, hoặc bị tồn đọng hàng hóa không thể tiêu thụ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, hộ gia đình này vẫn phải trả các chi phí nhân công, thức ăn, con giống, chi phí lãi vay ngân hàng…
Một diễn biến liên quan, mới đây đã có 1 buổi làm việc nội bộ giữa Tổng cục Thủy sản, Cites, Viện Nghiên cứu hải sản, cùng người nuôi cá tầm để xác định cách phân loại cá tầm.
Tại đây, các bên đã xác định việc phân loại cá tầm phải dựa trên phương pháp giải mã gene kèm so sánh hình ảnh. Do đó, đại diện các bên tại cuộc họp đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Hải sản thu hồi văn bản 1497 và tạm dừng việc giám định để rà soát lại.