Khoa học & Công nghệ

Cá sủ vàng tiền tỉ không nhiều dinh dưỡng

Theo các chuyên gia, những con cá sủ vàng được trả giá hàng trăm triệu, thậm chỉ là cả tỉ đồng không phải vì chúng có giá trị dinh dưỡng cao hay phẩm chất thơm ngon, cũng không phải là loài cực kỳ quý hiếm cần bảo tồn… Thú chơi đại gia mua cá sủ vàng về thưởng thức như thực phẩm, là cách hiểu sai lầm.

Cá tiền tỉ không bán

Rạng sáng 3/3, trong lúc đánh cá trên sông Cấm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ông Đậu Văn Sử (trú khối 8, phường Nghi Tân, TX. Cửa Lò, Nghệ An) bắt được một con cá có màu vàng. Khi đưa cá lên thuyền, ông Sử thấy toàn thân cá có màu vàng óng ánh, đuôi màu đỏ, cân nặng hơn 8kg.

Nghi là loài cá sủ vàng quý hiếm nên ông lên mạng kiểm tra thì thấy đặc điểm giống với cá mình bắt được. Nhiều người trả giá con cá lên đến trên 500 triệu đồng nhưng ông Sử chưa bán. Việc bắt được cá sủ vàng và bán với giá tiền tỉ không phải là hiếm.

Vài năm gần đây, người đi biển ở Đồng Nai, Bến Tre, Phú Yên cũng may mắn bắt được cá sủ vàng và bán được hàng tỉ đồng/con.

Thậm chí trên mạng xã hội, nhiều đại gia chịu chơi cũng khoe hình ảnh mua cá sủ vàng về để ăn với quan niệm ăn được cá sủ vàng thì sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi. Bởi thế, loài cá này luôn được định giá khoảng vài chục triệu đồng/kg.

Theo GS. TS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết, loài cá sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides biauritus, còn được gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép hoặc cá thủ. Đây là loại cá lớn nhất trong họ cá Đù thuộc bộ cá Vược, kích thước có thể đạt đến 160cm, nặng trên 120kg.

Cá sủ là loài cá lớn, mõm nhọn, miệng rộng, hàm dưới kéo dài đến phía dưới sau hốc mắt, răng khoẻ, vây lưng dài. Cá có màu trắng bạc và trắng phớt hồng, phần đầu và lưng có màu xanh xám hoặc xám sáng tuỳ vào môi trường sinh thái nơi cá sống, miệng cá màu vàng nghệ đặc trưng.

“Giá trị của loài cá này chủ yếu là do con người tự gán cho nó bằng những quan niệm chủ quan của mình. Việc ăn cá sủ vàng sẽ gặp may mắn, làm ăn phát đạt cũng chỉ là suy nghĩ mang tính mê tín của vài cá nhân.

Cá sủ vàng dù hiếm, đắt, nhưng không nhiều giá trị dinh dưỡng khác biệt với các loài khác. Có chăng thì chỉ một số bộ phận của loài cá này dùng cho y tế là không tìm được ở những loài khác”, GS.TS Mai Đình Yên cho biết.

Người dân bắt được cá sủ vàng nặng 8kg tại Nghệ An (ảnh Internet).

Chỉ có giá trị trong y tế

TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cá sủ vàng là loài duy nhất mà bóng cá có thể làm nguyên liệu tạo chỉ khâu trong y khoa.

Loại chỉ khâu này có khả năng tự hủy, nên rất tiện lợi trong các phẫu thuật y tế. Bong bóng cá sủ vàng chính là nguyên liệu hữu cơ để sản xuất ra một loại chỉ tự tiêu có khả năng tự hủy sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân, không gây tổn thương đối với mô, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm.

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện chưa có công nghệ để sản xuất loại chỉ khâu này, mà chủ yếu dùng để xuất khẩu. Vảy của loài cá này cũng khá hữu dụng trong chế tác thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là chế tác làm vật gảy đàn.

Loài cá này chủ yếu được bán sang các nước tiên tiến như Nhật, Mỹ, Trung Quốc – những quốc gia có công nghệ sản xuất chỉ khâu từ bóng cá.

“Nếu nói giá trị của cá sủ vàng thì chỉ có bóng cá là giá trị nhất, đắt đỏ nhất. Còn lại các bộ phận khác, đặc biệt là thịt cá cũng chỉ có giá trị dinh dưỡng như các loài cá thông thường chứ không có thành phần nào đặc biệt.

Do đó, việc bỏ hàng trăm triệu đồng để mua 1 con cá sủ vàng ăn với suy nghĩ sẽ gặp nhiều may mắn, có thể gọi là thói “chơi ngông” của những người lắm tiền, chứ nó không có nhiều dinh dưỡng”, TS.TS Mai Đình Yên cho biết.

Lý giải về việc loài cá sủ rất hiếm gặp, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, loài cá này sinh sống ở biển nhưng có tập tính đến mùa đẻ sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và sau khoảng 1 – 2 năm sẽ dần tìm ra biển. Do thời gian sinh trưởng chậm, lại bị đánh bắt kiểu “tận diệt” nên loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP