Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.4 và BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã khuyến cáo người dân mang khẩu trang trở lại.
Trong nước, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 16 đến 19/7, số ca nhiễm COVID-19 tại nước ta liên tục "leo thang". Trong ngày 16/7 ghi nhận 705 ca, ngày 18/7 là 840 ca và ngày 19/7 lên đến 1.085 ca. Ngày 19/7 cũng được xem là ngày có số ca nhiễm cao nhất trong vòng hơn 1 tháng rưỡi qua (ngày 2/6 có 1.088 ca). Cũng trong ngày 19/7, cả nước ghi nhận có đến 12 ca nhiễm là người nhập cảnh (con số này vào những tháng trước chỉ 1-4 ca).
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác. Đồng thời đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 và khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Liệu dịch có bùng phát trở lại? Nhiều chuyên gia y tế nhận định điều này khó có thể xảy ra nếu người dân nghiêm túc tiếp tục thực hiện biện pháp khuyến cáo 2VK của Bộ Y tế: vắc xin, khẩu trang và khử khuẩn.
Bởi khi mở cửa các loại hình dịch vụ, sinh hoạt nhằm thích ứng cuộc sống bình thường mới, ý thức nhiều người dân chủ quan hơn và có tâm lý xem nhẹ nguy cơ về bệnh như: không mang khẩu trang, thường xuyên tụ tập nơi đông người… Đây cũng những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ lây nhiễm trong những ngày gần đây.
Hơn nữa việc gia tăng ca bệnh COVID-19 thì chỉ liên quan một phần đến biến chủng mới, dù hiện nay nước ta đã ghi nhận biến chủng BA.4 và BA.5 của Omicron được xem là có tính lây lan cao.
Vấn đề quan trọng hơn hết liên quan đến việc tăng, giảm ca nhiễm là hiệu lực của vắc xin phòng COVID-19. Với hiệu lực của vắc xin thường suy giảm sau sáu tháng tiêm chủng nên có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó cần tiêm mũi nhắc lại để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.