Dọc đường

Cả làng dệt chiếu

Làng chiếu truyền thống cổ xưa nhất Việt Nam từng một thời bị mai một được ông già ngoài 70 tuổi vực dậy một cách ngoạn mục. Bây giờ, cả làng chiếu là công nhân, là những thợ lành nghề của làng chiếu cổ xưa nhất Việt Nam.

Làm chiếu cần kỹ thuật khá cao.

Làng chiếu cổ

Làng Vũ Hạ xã An Vũ (Quỳnh Phụ – Thái Bình) là một trong 3 làng chiếu truyền thống cổ xưa nhất Việt Nam. Cùng với làng chiếu An Thạnh của tỉnh Ninh Thuận và làng chiếu Nga Sơn của Thanh Hóa thì làng Vũ Hạ từng một thời là “thủ phủ” của chiếu cói truyền thống cung ứng hàng cho cả miền Bắc và các vua chúa phong kiến cũng lấy chiếu cói Vũ Hạ làm hàng cống nộp cho vương triều Trung Hoa.

Theo ông Nguyễn Văn Triển, trưởng thôn Vũ Hạ thì nghề dệt chiếu ở vùng quê thuần nông này đã có từ lâu đời, khoảng vài trăn năm về trước khi người dân biết dùng cói để làm các vật dụng sinh hoạt.

Theo lý giải của ông Triển, vì làng chiếu có từ lâu đời nên không ai biết ông tổ làng nghề là ai. Lịch sử làng chiếu cũng chỉ được ghi chép sơ sài từ thời phong kiến nên dù các cao niên có ra sức sưu tập tư liệu viết sử làng cũng rất khó khăn.

Người ta chỉ biết, làng Vũ Hạ làm chiếu trước cả An Thạnh và Nga Sơn vì các ông tổ làng nghề này cũng từ Vũ Hạ mà ra. Chiếu Vũ Hạ được các vua chúa khen nức nở vì chất lượng và thẩm mỹ đạt đỉnh cao nên thời xưa, người làng chiếu đã rất giàu có.

Sau này, thương gia nổi tiếng Bạch Thái Bưởi cũng từng cho người về làng chuyển chiếu Vũ Hạ lên tàu theo đường thủy sang phương Tây quảng bá hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, ông cũng đặt những lô hàng lớn bán cho Hồng Kông và Đài Loan.

Thế rồi, nghề dệt chiếu dần mai một rồi mất hẳn trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Mấy chục năm trời, người Vũ Hạ không ai nhắc tới nghề dệt chiếu dù trong tâm thức họ luôn ý thức được rằng, mình có một thứ nghề quý giá mà cha ông để lại.

Sau ngày đất nước thống nhất, một số cao niên trong làng bắt đầu quay lại nghề truyền thống nhưng chỉ ở mức độ “làm cho nhà dùng”. Chỉ số ít hộ có xu hướng làm đơn lẻ để bán ngoài chợ quê với số lượng nhỏ.

Giám đốc “công ty” chiếu làng Nguyễn Xuân Hòa.

Cụ “giám đốc”

Nhìn khung dệt cũ đã bị mối mọt vứt ngổn ngang bên góc vườn mà không ít người cảm thấy xót xa. Thấy vậy, một cao niên trong làng mới nghĩ ra cách vực dậy làng nghề truyền thống để “lương tâm không phải day dứt”.

Đó là ông Nguyễn Xuân Hòa, tuổi ngoài 70 nhưng vẫn còn đau đáu với nghề. Năm 2000, sau chuyến đi vào Nam tìm hiểu các làng chiếu, thậm chí ông cất công sang tận Quảng Tây – Trung Quốc để tận mắt thấy cách làm chiếu công nghiệp.

Về quê, sau mấy đêm mất ngủ ông Hòa đã giục con cháu dốc hết vốn liếng mở xưởng sản xuất chiếu. Thấy ông già 70 mở “công ty”, nhiều người thấy lạ buột miệng “giờ mà làm chiếu có mà chết đói”. Nhưng ông Hòa không nản dù biết rằng, vạn sự khởi đầu nan.

Cùng với việc xây dựng xưởng sản xuất, nhập các máy móc hiện đại nhất và các nguyên liệu chất lượng từ miền Nam ra. Ông Hòa phải “đi săn” những tay thợ giỏi nhất về “khai thác chất xám” giúp làng làm ra những tấm chiếu đẹp nhất bằng công nghệ mới.

Theo ông Hòa, nếu dệt theo lối thủ công thì một người giỏi nhất cũng chỉ hoàn thành tối đa 2 tấm/ngày. Làm chiếu mất rất nhiều công đoạn tỉ mỉ như: Căng go tre, chọn cói, dập vo, ghim mép, chép hình… Trong khi công nghệ mới có thể làm ra 60 tấm chiếu/1 máy/ngày mà chất lượng được đảm bảo không gẫy góc, mỏng mép.

Ông Hòa nhẩm tính, mỗi ngày “công ty” chiếu làng cũng cho ra đời và hoàn thiện hàng nghìn tấm chiếu chất lượng không thua kém Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Đến lúc này nhiều người mới thực sự bớt lo và thán phục “cụ giám đốc” dám nói dám làm.

Dệt chiếu bằng công nghệ mới nhất.

Cả làng là công nhân

Hiện nay, “công ty” chiếu làng đã có hàng chục máy dệt công nghệ mới nhất của châu Âu nên số lượng lao động tăng lên đáng kể. “Máy móc hiện đại thì nhân công phải ít đi nhưng tôi vẫn tuyển tất cả người làng vào làm việc vì khâu tiêu thụ phải được mở rộng, đảm bảo hàng không ế không tồn đọng”, ông Hòa cho biết.

“Cụ giám đốc” đã ở tuổi ngoài 70, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn phải quán xuyến tất cả mọi việc từ chọn cói, tách sợi đến bẻ mép, bắt biên… cho các thợ trẻ mới học nghề. Thậm chí, ông còn “đứng lớp” đào tạo cho hàng trăm thanh thiếu niên có nhu cầu làm thêm.

Hiện tại, hầu hết các lao động của làng Vũ Hạ đều tham gia sản xuất tại “công ty” chiếu làng. Nhiều người trong xã và ở huyện lân cận cũng sang xin được làm nhân công cho “công ty” với mức lương khá cao và ổn định.

Ông Hòa cho hay: “Mang tiếng là công ty nhưng không phải công ty. Tôi chỉ là người đứng ra thành lập xưởng rồi chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiền thu được phải công khai minh bạch với cả làng để anh em đoàn kết, phấn khởi lao động”.

Hiện tại, chỉ tính sơ sơ thì số nhân công làm việc trong “công ty” chiếu làng cũng lên tới hàng trăm người. Đó là chưa tính đến các nhân viên kinh doanh “nằm vùng” khắp trong và ngoài tỉnh, thậm chí ông Hòa còn thành lập “đại lý” tận bên Châu Phi để tiêu thụ sản phẩm.

Sắp tới mùa cưới nên ông Hòa phải tuyển thêm khá nhiều lao động từ các tỉnh khác. Hiện tại, mỗi tháng xưởng của ông cũng cho ra đời vài chục nghìn tấm chiếu chất lượng cao xuất sang Châu Phi.

Không khí ở làng Vũ Hạ giờ đã đổi khác, tiếng máy dệt, tiếng gọi nhau í ới đi làm. Cả làng không còn ai hộ nghèo, tất cả đều tất bật với công việc dệt chiếu, trồng cói và vận chuyển hàng ra các bến xe.

Ông Nguyễn Văn Triển, trưởng thôn Vũ Hạ khấp khởi: “Cái quý nhất bây giờ là làng vực dậy được nghề truyền thống. Người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và khẳng định được thương hiệu chiếu làng Vũ Hạ ra thị trường thế giới”.

Nghề chiếu truyền thống được vực dậy nhưng ông Hòa vẫn còn trăn trở về một hướng đi mới khi nguyên liệu cói ở địa phương không đủ cung cấp cho xưởng sản xuất. “Công ty” chiếu làng hiện đang phải nhập nguyên liệu từ miền Nam ra với giá cao trong khi tỉnh Thái Bình dù đã đưa cây cói vào trồng nhưng chất lượng không đạt yêu cầu để dệt chiếu bằng máy. Cói Thái Bình hay bị gẫy khi cho vào máy nên chất lượng chiếu không được như mong muốn.

“Chúng tôi xác định ngoài nông nghiệp, nghề làm chiếu truyền thống ở Vũ Hạ là mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cần một chiến lược để phát triển bền vững nghề truyền thống này để khẳng định với thị trường trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã An Vũ.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP