Dữ liệu y khoa

BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình: 2 ngày cấp cứu 4 ca rắn cắn

  • Tác giả : Thúy Nga
Mùa mưa đến, tai nạn do rắn cắn thường xuất hiện nhiều hơn. Nếu không biết cách xử lý và cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tình Hòa Bình cho biết, trong 2 ngày vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã cấp cứu 4 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có 2 trường hợp nặng do bị rắn độc cắn. Nguyên nhân đều do trong quá trình sinh hoạt hoặc lao động sản xuất đã vô tình đụng chạm phải rắn.

ran-can-hb-2.jpg
BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình: 2 ngày cấp cứu 4 người bị rắn cắn.

Ca bệnh thứ nhất là nam giới, 28 tuổi, trong khi lấy củi ở vườn đã bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón tay. Sau khi bị rắn cắn, mặc dù đau nhiều nhưng bệnh nhẫn vẫn cố đập rắn chết, chụp lại hình ảnh rắn và nhanh chóng nhập viện. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, đau nhiều vùng vết thương và có tình trạng phù nề, hoại tử vùng ngón tay do rắn cắn.

Ca bệnh thứ 2 là nam giới, 38 tuổi, trong lúc kéo đường lưới điện, đã bị rắn lục ở trên cây cắn vào tay.

Cả 2 bệnh nhân đã được điều trị tích cực, hiện tại đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi sát toàn trạng.

Bệnh nhân thứ 3 và thứ 4 cũng vô tình bị rắn cắn khi đi làm ruộng nhưng rất máy đó chỉ là rắn nước (rắn lành).

ran-can-hb.jpg
Thăm khám cho bệnh nhân rắn cắn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

TS.BS Hoàng Công Tình cho biết, tai nạn rắn cắn hay gặp vào mùa hè (mùa mưa) do rắn hay ra khỏi nơi trú ngụ để đi kiếm ăn, hoặc do chỗ ở của rắn bị ngập nước. Rắn có thói quen sinh sống ở nơi ẩm thấp, bụi rậm, dưới tán lá cây, bụi cỏ…

Các trường hợp bị rắn độc cắn (rắn hổ, rắn lục), tuỳ mức độ bệnh mà theo dõi sát để điều trị chuyên sâu, như: sử dụng huyết thanh trung hoà độc tố, thở máy, lọc máu, kháng sinh…

Khi bị rắn cắn: không để nạn nhân tự đi lại, rửa vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng, bất động chân tay bên bị bệnh, băng ép nhẹ vùng tổn thương, nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có khả năng hồi sức tích cực.

Không chích rạch vết thương, không băng ép chặt (ga rô) đoạn chi bị rắn cắn. Cố gắng chụp lại hình ảnh của rắn hoặc nhớ hình dạng của rắn, cung cấp cho thầy thuốc để nhanh chóng định danh được loại rắn.

Phòng ngừa rắn cắn: đi ủng, đi giày cao cổ, mặc quần dài khi đi vào vùng bùi rậm hoặc trong đêm tối. Không đến gần các nơi rắn hay cư trú như các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình. Khi phải đi qua bụi rậm, rừng cây, cần sử dụng que, gậy đánh động ở những nơi mình sắp đi qua để xua đuổi rắn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP