Không tuân thủ Hiệp định và hướng dẫn của WB
Hợp phần xe buýt nhanh BRT là một phần của Dự án cải tạo đô thị Hà Nội được Hà Nội phê duyệt từ năm 2007. Dự án này do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD. Trong đó, đầu tư 35 chiếc xe buýt nhanh BRT để vận chuyển hành khách trên tuyến làn đường dài 14,7km được thiết kế riêng kéo dài từ Bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã. Dù đặt kỳ vọng sẽ giải bài toán giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông Hà Nội, nhưng đến nay dự án thất bại, không đạt mục tiêu, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng.
Điều đáng nói là dự án này dính dáng đến yếu tố quốc tế. Để thực hiện dự án này, Hà Nội phải dùng nguồn vay từ WB, tức là thành phố và các cơ quan chức năng phải tuân thủ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án, cũng như hướng dẫn của WB trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, trớ trêu là điều này không được thực hiện đúng trong quá trình tổ chức đấu thầu gói thầu mua sắm đoàn xe 04/BRT-TB (BRT CP08). Gói thầu này có Công ty CP Thiên Thành An là đơn vị góp mặt trong liên danh trúng thầu gói thầu và xuất bán 35 chiếc xe buýt nhanh BRT cho chủ đầu tư.
Thanh tra Chính phủ kết luận chủ đầu tư (Sở GTVT) đã thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của WB. Cụ thể như, không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B, và C (nhóm xe nhập khẩu). Vì vậy, không có căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu. WB đã có cảnh báo về việc kiểm tra xe và bảo hành.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hợp phần xe buýt nhanh BRT có sai phạm về tài chính lên đến 43,57 tỷ đồng. Trong đó, riêng gói thầu 04/BRT-TB gồm 42,405 tỷ đồng, do Công ty CP Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư đối với 35 xe buýt BRT giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện. Số tiền 206,83 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm tra xe (mục chi phí tiền ăn, thuê xe…) do chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký kết không đúng quy định.
Chính những sai phạm này Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị giao Bộ KH&ĐT kiểm tra, rà soát đối với gói thầu 04/BRT-TB trong công tác tổ chức đấu thầu, trong đó một số thủ tục không tuân thủ Hiệp định, hướng dẫn của WB. Và kiểm tra, rà soát việc các bên Liên danh nhà thầu thực hiện không đúng khối lượng được phân chia theo hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu, dẫn đến Công ty CP Thiên Thành An hưởng lợi số tiền 42,4 tỷ đồng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.
Đối với nội dung thu hồi 42,4 tỷ đồng, sau khi nghiên cứu các quy định về việc vay, sử dụng vốn ODA của WB, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao UBND TP Hà Nội xin ý kiến Bộ KH&ĐT và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền này. Nếu liên danh có sự góp mặt của Công ty CP Thiên Thành An không thực hiện thì UBND TP Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.
Về vấn đề này Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng đã có chỉ đạo rất rõ. Theo đó việc Công ty CP Thiên Thành An hưởng lợi số tiền 42,4 tỷ đồng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc, thì yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, không để xảy ra khiếu kiện quốc tế. Trường hợp xảy ra khiếu kiện quốc tế, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan giải quyết theo quy định.
Hà Nội đã dành tới 1/3 lòng đường riêng cho xe buýt nhanh BRT khiến tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài vốn đã đông đúc càng ùn tắc. |
Đi khảo sát nước ngoài, không báo cáo kết quả
Ngoài gói thầu mua sắm 35 xe buýt nhanh BRT của Hà Nội sai phạm thì tại rất nhiều gói thầu khác cũng có sai phạm dẫn đến thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Thậm chí ngay cả việc Hà Nội “tiêu tiền” tổ chức 3 đoàn nghiên cứu, khảo sát mô hình hệ thống xe buýt nhanh BRT tại Brazil, Colombia, Ecuado, Indonesia vào các năm 2004, 2009, 2015 cũng có rất nhiều vấn đề. Như, 1 đoàn không có báo cáo kết quả và 2 đoàn có báo cáo nhưng không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Các tổ chức được cử đi cũng không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT, không đạt mục tiêu của khảo sát.
Rất nhiều bất cập khác trong quá trình đầu tư đã được chỉ ra gồm: Các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ đầu tư không thuận tiện cho người sử dụng; một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận; cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm tới 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến đường rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Thanh tra Chính phủ kết luận, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra Chính phủ không kết luận rõ ràng về chi phí đầu tư các hợp phần tiêu nhiều vốn ODA khác của dự án buýt nhanh BRT tại Hà Nội. Chẳng hạn như các gói thầu sửa đường, xây dựng nhà chờ, hay hệ thống camera, đèn điều khiển dọc tuyến...
Điều này dẫn tới hai cách hiểu. Có thể Thanh tra Chính phủ cho rằng các nhà thầu đã giải trình được chi phí đưa vào các hạng mục trên. Hoặc là Thanh tra Chính phủ công nhận các chi phí xây dựng các hạng mục trên đã là hợp lý?
Hiện, phóng viên KH&ĐS đang khảo sát về vấn đề chi phí cao bất thường khi đầu tư nhiều hạng mục nêu trên của dự án buýt nhanh BRT tại Hà Nội. Đặc biệt là tại gói thầu chỉ sửa vài km đường mà tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, hay mua vài chục camera cũng hết vài chục tỷ đồng tại dự án này.
Thông tin bổ sung, tại thời điểm những bất thường của dự án buýt nhanh BRT, phản hồi từ WB - ngân hàng cho vay vốn ODA - cũng cho biết không thấy bất thường tại dự án này. Sau khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về những khoản "không giải trình được" tại dự án, thì cũng chưa thấy WB có ý kiến chính thức. Hiện chưa rõ Hà Nội đã bắt đầu trả nợ vốn ODA cho WB ở thất bại nghìn tỷ đồng mang tên buýt nhanh BRT hay chưa?