Dữ liệu y khoa

Bướu cổ vì ăn chay sai cách

  • Tác giả : Lương y Hoàng Duy Tân
(khoahocdoisong.vn) - Ăn chay trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối đạm, đường, mỡ và thiếu một số chất dinh dưỡng khác. Đặc biệt, ăn chay sai cách vẫn bị thừa cân, béo phì và mắc các bệnh như đái tháo đường, bướu cổ.

Suy nhược, bướu cổ vì ăn chay

Sau khi chồng mất và con cái đã yên bề gia thất, bà Nguyễn Thị X. (Hà Nội) quyết định ăn chay để tu dưỡng tâm tính. Bà tự ý lập ra chế độ ăn uống hằng ngày, bỏ tất cả loại thịt cá, chỉ uống sữa đậu nành, ăn đậu hũ, nước tương và rau cải…

Một thời gian sau, bà cảm thấy mệt mỏi, sinh hoạt hằng ngày đều trì trệ, uể oải. Bà đến bệnh viện khám, được bác sĩ kết luận suy nhược do sai lầm trong ăn uống. Ngoài ra, bà còn bị bướu cổ... Bác sĩ giải thích, do hằng ngày bà X. chỉ ăn toàn rau cải, là loại rau chứa hợp chất lưu huỳnh là glucosinolate. Những chất này sẽ sản xuất ra một chất phụ khác gọi là isothiocyanates gây bệnh bướu cổ bằng cách ngăn chặn cơ thể hấp thụ iốt và còn lấy đi một lượng lớn iốt cần thiết của tuyến giáp. 

Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành cũng có thể cản trở sự hấp thu iốt ở tuyến giáp, do một số hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ…

Rất may sau đó bà được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về thực dưỡng và chữa khỏi bệnh bướu cổ…

Các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng, ăn chay là một phương pháp thực dưỡng rất tốt nếu được bổ sung những kiến thức hợp lý về dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu ăn chay trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối đạm, đường, mỡ và thiếu một số chất dinh dưỡng khác. Ăn chay không đúng cách, sẽ có thể gây nên nhiều tác hại cho cơ thể.

Cơ thể sẽ thiếu trầm trọng vitamin B6, B12 gây thiếu máu hay hủy myelin sợi thần kinh, ngoài ra gây ứ đọng hymocysteine. Axit hymocysteine là một trong những loại axit có khả năng phá vỡ các mạch máu, làm xơ vữa động mạch, bệnh tim và có thể dẫn tới đột quỵ.

Chế độ ăn chay thường sử dụng quá nhiều dầu, nhiều chất đường bột và thiếu protein nên nhanh đói. Điều này làm bữa ăn tiếp theo sẽ ăn nhiều hơn. Do đó, người ăn chay vẫn có thể bị thừa cân, béo phì.

Một nghiên cứu của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam trên 328 nhà tu hành đạo Phật, ăn chay trường, thấy tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở các nhà tu hành này cao gấp 2 lần người bình thường. Kết quả được giải thích do chế độ ăn chay không cân đối, toàn thực vật, không kiêng giảm chất đường bột là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường.

Ăn chay sao cho đúng

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chỉ nên ăn chay 1 - 2 lần/tuần. Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, người cao tuổi không nên ăn chay trường. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn chay có nhiều chất xơ, ít cholesterol… nhưng không nên quá lạm dụng. Chế độ ăn chay trường dễ khiến  thiếu máu và một số chất khoáng như sắt, kẽm, canxi, vitamin B12... Trong trường hợp này, người ăn chay có thể uống bổ sung viên vitamin tổng hợp mỗi ngày.

Bổ sung protein cho cơ thể bằng cách ăn các loại đậu như đậu nành, đậu Hà Lan, ngũ cốc… Trong khẩu phần ăn chay nên có các loại hạt như điều, hạnh nhân; các loại rau xanh như bắp cải, cải xanh, bông cải xanh; ngũ cốc nguyên hạt… để bổ sung kẽm và sắt.

Người ăn chay nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 20 phút/ngày vào lúc sáng sớm để cơ thể tổng hợp vitamin D giúp tăng hấp thu canxi, xương sẽ chắc khỏe hơn. Ngoài ra, canxi này được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn rau xanh như cải thảo, bông cải xanh và cải xoăn; các loại rau biển như rong biển.

Một chế độ ăn uống hợp lý là điều cần thiết để bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho mọi người.

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Lương y Hoàng Duy Tân

BẢN DESKTOP