Khám phá

Bùi Hữu Nghĩa – bất khuất trước cường quyền – kỳ 2: Vụ án rạch Láng Thé

Vụ án rạch Láng Thé khiến Bùi Hữu Nghĩa bị khép tội chết. Nhờ người vợ hiền lặn lội từ Đồng Nai ra tận Huế kêu oan cho chồng, ông đã được tha tội.

Khu mộ Bùi Hữu Nghĩa tại Cần Thơ.

Bị kết án tử hình

Biết được hành động tham gian của quan trên và ỷ quyền của nhóm người Hoa; dựa vào chiếu chỉ của Gia Long, Bùi Hữu Nghĩa phán xử: “Rạch Láng Thé từ trước đến giờ được đức Thế Tổ tha thuỷ lợi vĩnh viễn cho các người, thì các người cứ chiếm lấy. Nay nếu có ai lớn hơn Thế Tổ tự bán rạch ấy thì các ngươi phải cam chịu, còn nếu ai nhỏ hơn Thế Tổ đứng bán rạch ấy thì có chém nó đứt đầu cũng chẳng sao!”

Nghe lời như cởi tấm lòng, người Khmer kéo ra Láng Thé bửa đập, phá rọ. Bọn chủ người Hoa cậy thế, hè nhau đàn áp, đưa đến cuộc xô xát làm cho bên người Hoa bị chém thiệt mạng gần 10 người, bên người Khmer chỉ bị thương nhẹ và bị bắt một số.

Nhân cơ hội này, được phi báo, Bố chánh Truyện vì thù cá nhân trước kia, đã tiếp tay với Tổng đốc Uyển cho bắt những người Khmer gây án, đồng thời bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình tố cáo ông đã kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người.

Vua quan triều đình Huế thấy tờ sớ, không cần điều tra sự việc, vội vàng chiếu chỉ kết án tử hình Bùi Hữu Nghĩa.

Vợ đội đơn kêu oan cho chồng

Biết rõ bọn Uyển và Truyện cố ý hại chồng, bà Nguyễn Thị Tồn bèn thu xếp rồi dùng ghe đi từ Định Tường ra thẳng Huế minh oan cho chồng…

Bấy giờ, Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Thị Tồn tìm đến tư dinh ông trình bày hết mọi việc, rồi nghe theo lời khuyên, đến Tam pháp ty gióng trống “kích cổ đăng văn” (đánh trống, đội đơn) kêu oan cho chồng.

Trước Tam pháp ty, bà khua ba hồi trống, thúc giục vua lâm triều, để dâng tờ sớ. Nghe tin có người đàn bà đất Đồng Nai lặn lội ra kinh đô Huế minh oan cho chồng, bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức cho vời đến gặp.

Bà Nguyễn Thị Tồn vào yết kiến và tâu qua mọi việc. Thái hậu Từ Dũ cảm động tặng một tấm biển đề bốn chữ vàng “Liệt phụ khả gia”.

Sau sự kiện chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu “quân tiền hiệu lực”, làm lính đồn Vĩnh Thông thuộc tổng Châu Phú (Châu Đốc), đoái công chuộc tội.

Nơi này, thường xuyên không ổn định, bởi các cuộc nổi dậy chống triều đình của thổ dân và người bên kia nước láng giềng. Trong một cuộc chạm trán, đồn Vĩnh Thông thất thủ, quan quân trong đồn bị giết và bị bắt khá nhiều, trong đó có Bùi Hữu Nghĩa.

Nhưng do biết tiếng ông là người có tấm lòng nhân từ, quan tâm đến số phận của người nghèo khổ, trong đó có người Khmer, nên đối phương tha cho ông. Vua Cao Miên lúc đó là Ong Duôn còn cho thuyền đưa ông đến tận Tịnh Biên.

Trước cảnh quan trường đầy tham nhũng, bất công, kèm nỗi buồn gia đình, năm 1862, ông dâng sớ xin từ chức, cùng vợ về Bình Thủy (Cần Thơ) mở trường dạy học, làm thơ.

Ông lấy biệt hiệu là “Liễu Lâm chủ nhân” và trở thành một nhà giáo đào tạo lớp học trò trẻ, với niềm hy vọng sau này sẽ gánh vác việc nước. Nhà ông cũng là nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn bạc việc chống Pháp.

Năm 1868, thực dân Pháp nghe ông tham gia phong trào Văn Thân đã bắt giam ở Vĩnh Long, sau đó đưa về Gia Định. Bùi Hữu Nghĩa tỏ rõ khí tiết bất khuất, không chịu để giặc và bọn tay sai mua chuộc.

Biết không thể lung lạc tinh thần, chúng phải thả ông về. Sau một cơn bệnh nặng, Bùi Hữu Nghĩa đã từ giã cõi đời vào 21 tháng giêng năm Nhâm Thân (1872), thọ 66 tuổi.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP