Vấn đề - Sự kiện

Bức ảnh đặc biệt về khoảnh khắc đầu tiên Giải phóng Thủ đô

Ông Lê Sửu (phố Hàng Đào, Hoàn Kiếm) chia sẻ, ông đã may mắn chụp được khoảnh khắc đầu tiên khi bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ Đô qua phố Hàng Đào vắng vẻ. Chỉ ít phút sau, người dân ào ra chật kín với niềm vui vỡ òa.

Khoảnh khắc đặc biệt ngày Giải phóng Thủ đô

Những ngày mùa thu tháng 10, trên những con phố lớn của Hà Nội, không khí kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô rộn ràng, náo nức. Trong căn phòng nhỏ ở phố Hàng Đào – ngay cạnh Hồ Gươm, nơi đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm ngày 10/10 – vợ chồng ôngLê Sửu rưng rưng chia sẻ với PV về khoảnh khắc lịch sử đặc biệt không thể nào quên trong ngày bộ đội tiến vào giải phóng Thủ đô và bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” lịch sử.

Ông Lê Sửu sinh năm 1937. Năm 1954, ông Sửu là chàng trai 17 tuổi, có sở thích chụp ảnh. Gia đình ông thuộc diện khá giả, có tiệm tạp hóa nổi tiếng, nên ông có điều kiện để theo đuổi sở thích của mình. Ông Sửu được bố mẹ sắm cho một chiếc máy ảnh và cả xe đạp. Ông Sửu chụp nhiều ảnh, thỏa niềm đam mê của mình và tặng bạn bè. Nhưng ông không bao giờ nghĩ rằng, cũng vì sở thích đó, mà ông đã lưu lại được một bức ảnh lịch sử, và là kỷ vật cho gia đình.

Hai vợ chồng ông Lê Sửu xúc động nhớ lại khoảnh khắc ngày Giải phóng Thủ đô.

Hai vợ chồng ông Lê Sửu xúc động nhớ lại khoảnh khắc ngày Giải phóng Thủ đô.

“Những đêm trước ngày 10/10/1954, Hà Nội thao thức không ngủ. Khi đó, thực dân Pháp đã bắt đầu rút khỏi Hà Nội, nhưng quân đội của ta lại chưa về, tâm trạng vừa phấp phỏng chờ đợi, vui mừng nhưng cũng có những âu lo. Đúng sáng 10/10, khi thấy bộ đội ta bắt đầu tiến vào tiếp quản Hà Nội, niềm vui như vỡ òa. Tôi cầm máy ảnh ra, thật may mắn chụp khoảnh khắc đầu tiên khi bộ đội tiến vào Hàng Đào. Lúc đó, đường phố còn vắng, chứ chỉ ít phút sau, là người dân tràn ra. Ai cũng đều hân hoan, vui sướng. Tôi còn nhớ hôm đó bầu trời xanh trong vắt, nắng cũng nhuộm vàng như hôm nay”, ông Sửu chia sẻ.

Bà Lan Hương, vợ ông Sửu xúc động theo chia sẻ của chồng. Bà kể, lúc đó, bà mới là cô bé 12 tuổi. Những đêm trước ngày giải phóng, bà cùng mọi người may cờ, cắt chữ, làm hoa… chuẩn bị cho ngày chiến thắng. Bà may rất nhiều dây ngũ sắc để trang trí nhà cửa. Không khí âm thầm mà sục sôi, náo nức.

Sáng 10/10, khi bộ đội bắt đầu tiến vào tiếp quản Thủ đô, cô bé Hương đã lấy chiếc gương soi qua lỗ tròn trên cánh cửa. Khi biết đó đúng là bộ đội rồi, cô mở tung cánh cửa, cùng mọi người náo nức, tưng bừng đón quân ta tiến vào.

“Lúc đó, tôi còn nhỏ quá, phải bắc ghế trèo lên, đứng trước cửa nhà để xem. Có những em nhỏ hơn còn trèo lên cả cột đèn xung quanh. Người dân đứng chật kín hai bên đường phố vẫy cờ hoa. Bộ đội đi đến đâu, tiếng hò reo vang lên tới đó. Xúc động lắm. Bởi biết bao ngày mong ngóng, chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày giành lại được tự do, chủ quyền”, bà Lan Hương chia sẻ.

Kỷ vật quý của gia đình

Ông Sửu chia sẻ, lúc cầm máy ảnh lên chụp “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”, ông không ngờ, bức ảnh đã có giá trị lớn như vậy. Bức ảnh không chỉ ghi lại một khoảnh khắc lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, và với gia đình ông, đó cũng là một bức ảnh quý khi đã lưu giữ lại hình ảnh của người em trai ruột của ông - đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này.

Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” đã trở thành kỷ vật quý của gia đình ông.

Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” đã trở thành kỷ vật quý của gia đình ông.

Rưng rưng chỉ vào bức ảnh, ông Sửu kể, hôm đó, ông chỉ định chụp đoàn quân bộ đội của ta. Nhưng rồi, em bé đứng vẫy cờ đón đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô lại lọt vào khung hình. Hình ảnh người em trai – lúc đó chỉ là cậu bé con với mái tóc cắt gọn gàng, gương mặt bầu bĩnh, sáng sủa, trang phục tươm tất đứng đầu khung hình, mỗi lần xem lại, cả nhà đều xúc động.

“Mỗi khi nhìn tấm ảnh này, gia đình đều thương và nhớ chú út, bởi chú bé nhất nhà, và cho đến giờ cũng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bức ảnh đã lưu lại kỷ niệm vô giá, không thể nào quên được, đặc biệt, mỗi năm đến ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô”, bà Lan Hương nghẹn ngào.

Ông Sửu sau này trở thành sinh viên khóa 1 của ĐH Bách khoa Hà Nội, rồi làm ở Viện Thiết kế tổng hợp, chuyên thiết kế các công trình thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Có lần ông về địa phương công tác, ngồi trên xe ô tô, ông nhìn hàng dài những chiến sĩ đang hành quân, nghĩ tới em trai, có thể cũng đang đi trong đoàn quân đó, ông đã trào nước mắt.

Ông không bao giờ ngờ rằng, em trai mình lại hy sinh. Bức ảnh luôn nhắc nhở ông về sự hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân của biết bao thế hệ cho đất nước, trong đó có em trai ông, hy sinh khi mới 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của một đời người.

Ông Sửu chia sẻ, sau ngày Giải phóng Thủ đô, ông cũng vẫn giữ niềm đam mê chụp ảnh. Ông chụp nhiều về Hà Nội với những con phố, ngả đường, cây cầu, hồ Gươm… với tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội. Nhưng sau này, cuộc sống bận rộn, ông không còn giữ được thói quen này nữa. Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” đã giúp ông lưu giữ ký ức không bao giờ quên.

BẢN DESKTOP