Trong bài viết trên INC, Minda Zetlin – cựu chủ tịch của Hiệp hội các nhà báo và tác giả Mỹ, cũng là diễn giả chuyên về lĩnh vực áp dụng công nghệ trong kinh doanh đã chia sẻ những nghiên cứu cho thấy sự cầu toàn đang tác động đến khả năng làm việc hiệu quả của con người ra sao.
Cụ thể, theo Minda Zetlin tìm hiểu, bạn có thể nghĩ rằng những thành tựu đang có đến từ việc bạn luôn tìm kiếm các phương án giải quyết tốt nhất. Song, những nghiên cứu dưới đây lại mở ra góc nhìn khác về sự cầu toàn.
Cầu toàn là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm
Chủ nghĩa hoàn hảo không làm bạn trở nên tốt hơn, theo một nghiên cứu từ Thomas Curran và Andrew P. Hill, công tác tại Đại học Bath và Đại học York St John. Curran và Hill đã nghiên cứu một lượng lớn các tài liệu từ năm 1989 đến 2016 nhằm đo lường mức độ cầu toàn ảnh hưởng đến con người như thế nào.
Trước tiên, Curran và Hill nhận thấy sự cầu toàn có liên quan mật thiết đến trạng thái suy giảm tinh thần như: trầm cảm, lo lắng, gây biếng ăn, mất ngủ và thậm chí là ý định tự hành hạ bản thân, tự sát. Sau đó, cả hai tiếp tục nhận ra tỷ lệ người theo chủ nghĩa cầu toàn ngày càng gia tăng, đặc biệt ở người trẻ lẫn trẻ em hiện nay.
INC cho biết, một nhà tâm lý học, chuyên gia trong lĩnh vực rối loạn ăn uống đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy độ tuổi của các bệnh nhân đến để cô điều trị ngày càng giảm suốt. Trong đó, có cả bệnh nhi 7 tuổi. Cô cho rằng sự cầu toàn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Ngoài ra, sự cầu toàn còn có thể gây giảm tuổi thọ của con người. Một nghiên cứu do Fry PS – nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Đại học Trinity Western (Canada) công bố trên tờ Journal of Health Psychology năm 2009 đã tìm thấy những người có sự cầu toàn cao thường có nguy cơ qua đời sớm hơn so với những người ít cầu toàn. Những ai có nguồn năng lượng lạc quan, hướng ngoại cao sẽ sống lâu hơn tuổi thọ trung bình.
Sự cầu toàn không giúp bạn làm việc hiệu quả hơn
Hầu hết những người cầu toàn đều phải miễn cưỡng từ bỏ công việc của mình, vì niềm tin rằng sự cầu toàn sẽ giúp hoàn thiện công việc tốt hơn, chăm sóc gia đình tốt hơn, chăm sóc cơ thể tốt hơn…gia tăng áp lực lên cuộc sống của chính họ.
Trong quá trình nghiên cứu, Hill đã giao cho nhóm người cầu toàn và không cầu toàn cùng một nhiệm vụ, song không cho họ biết đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Cả hai nhóm người cùng chăm chỉ thực hiện thử thách một lúc, song nhóm người cầu toàn bắt đầu trở nên tức giận nhiều hơn và cuối cùng là từ bỏ công việc đó sớm hơn nhóm còn lại.
Tương tự, từ việc giành huy chương vàng Olympic đến điều hành thành công một công ty, khả năng ứng biến với những tình huống xấu là yếu tố quan trọng tạo dựng thành công. Đây lại là điều những người cầu toàn bị thiếu. Bị ám ảnh vào mức độ hoàn thiện của công việc đã tác động đến năng suất làm việc thực tế của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Khi mang theo sự cầu toàn trên vai, tiếng nói nội tâm sẽ không ngừng “gào thét” và chỉ trích mỗi khi bạn không đạt được chuẩn mực do bản thân đề ra. Điều này sẽ lấy đi niềm hạnh phúc và động lực làm việc. Về lâu dài, sự chỉ trích ngầm này có thể sẽ “giết” chết cuộc sống của bạn.
Phóng viên của BBC – Amanda Ruggeri cho biết đã cảm thấy tự do nhiều hơn khi thử buông bỏ một vài kỳ vọng vào bản thân. Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy mình là người cầu toàn, hãy bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi.
Một cách đơn giản để cân bằng kỳ vọng của bản thân chính là: hãy thử buông bỏ một vài điều bạn nghĩ rằng mình “phải” làm để đạt được chuẩn mực do chính bản thân đề ra.
Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng bạn “cần phải” làm việc muộn mỗi tối để có kết quả tốt hơn, hãy thử về sớm một tuần và quan sát xem thói quen mới này sẽ tạo ra tác động gì.
Khi thay đổi mức độ cầu toàn, bạn có thể sẽ bị rơi lại phía sau so với năng suất của các đồng nghiệp. Trong những trường hợp này, hoặc là khối lượng công việc của bạn cần được điều chỉnh, hoặc là bạn cần phải trao quyền nhiều hơn. Song, đổi lại, bạn cũng có thể sẽ bất ngờ về khả năng xử lý công việc của bản thân khi não bộ của bạn được nghỉ ngơi và hồi phục năng lượng.
Lâm Nghi (Theo DNSG)