Dọc đường

Bóng giếng Hà Nội – Kỳ 4: Độc đáo giếng bàn chân

Nước không chỉ rất trong và rất ngọt, cái hình thế giếng cổ ấy dễ khiến người ta suy tưởng đến vết chân người khổng lồ. Đó âu cũng là những khác lạ lẫn độc đáo của một ngôi làng bình yên giữa những tán si già.

Xóm Mát xã Tốt Động (Chương Mỹ – Hà Nội) đang giữ trong mình một báu vật quý lộ thiên trên mặt đất. Báu vật ấy là cái giếng đá ong hình bàn chân người. Ngay đầu xóm, cạnh gốc si già đã ngã nhưng không đổ hẳn sau một cơn bão là chiếc giếng cổ tắm mát cho làng.

Bàn chân người khổng lồ

Ở nước ta, thật là không có quy ước chung định dạng cho giếng. Có cái giếng thì to bản như cái ao; có cái giếng lại hình vuông, hình bầu dục, hình tròn rồi bát giác, lục lăng. Còn giếng xóm Mát thì rõ mồn một hình bàn chân người khổng lồ đặt xuống rồi như thể dấn cho mạnh cho sâu theo một kiểu tạo hình của nông dân dưới bùn ruộng.

Giếng hình bàn chân người ở xóm Mát.

Ông Nguyễn Viết Hịu, 76 tuổi đời thì cũng ngần ấy thời gian gắn bó với cái giếng này. Những buổi đi xa thì không nói làm gì, còn đã ở nhà thì mỗi ngày dăm lượt ông liệng ra thăm giếng.

Mà ở làng này, không chỉ có ông Hịu mới thế, cái thói quen rất đáng yêu ấy phổ biến ở mọi người già trẻ xóm Mát. Giếng đẹp, ngắm mãi không chán mắt; nước ngọt, uống mãi cứ vẫn thèm; và những ngày hè oi nồng là mỗi lúc giếng tiếp thêm nhiều người, quen có và lạ cũng rất nhiều.

Ông Hịu bảo rằng, không có vị lão niên nào của làng biết lịch sử của giếng. Giếng có lâu quá rồi nên cứ sinh ra là đã quen với giếng. Có người bảo, xóm Mát ăn ở có phúc nên giời thương, mới sai một vị tiên khổng lồ thò chân xuống trần mà ấn cho thành một cái giếng.

“Giếng bàn chân nó có giai thoại hẳn hoi. Nhưng thực ra thì nhiều giai thoại khác nữa, mà ta chỉ coi đó là những chuyện kể cho vui thôi ông khách ạ. Chứ ông tính, làm gì có người khổng lồ với bàn chân to mấy thước như thế. Chỉ xem đấy là chuyện kể mà ông cha tạo ra cho vui”, ông Hịu giải thích.

Đá ong thiên tạo

Theo những cao niên am hiểu địa lý thôn quê, thì xóm Mát hoàn toàn là vùng đất thịt. Nhưng riêng khu giếng cổ lại là một khối đá ong. Dưới lớp đất thịt, một khối đá ong cỡ chừng hai gian nhà vuông vức được tạo hóa tài tình xếp đặt như một cái hộp vuông đặt xuống.

Phần đá ong nhô ra ở thành giếng.

Ở giữa cái khối đá ong vuông vức ấy là cái giếng hình bàn chân. Ông Hịu bảo, bên trên giếng thì nhận rõ hình chân người, nhưng ở dưới đáy lại là hình chảo. Đo từ gờ miệng giếng xuống tận đáy, sâu vào khoảng gần 10m.

Người làng vẫn suy đoán, vào thời rất xưa rồi, cha ông họ đã tìm thấy báu vật đá dưới lòng đất và đào sâu xuống khối đá ấy cho đến khi gặp được mạch nước phun.

Nếu như hầu hết các giếng cổ đá ong khác đều là đá hộp xếp chồng tạo thành giếng, thì giếng xóm Mát lại không vậy. Thành giếng vẫn là đá ong gắn liền của khối đá vuông vức ấy, tuy phía trên có vài hàng đá xếp quanh vì làng muốn đôn giếng cao lên. Bởi vậy, từ trên nhìn thấu xuống bề mặt nước trong ấy vẫn thấy những gồ ghề, thậm chí cả những tảng đá ong nhô ra vài gang tay.

Ở thành giếng phía trên, đá có màu đen mốc, có lẽ vì không được ngâm nước. Còn từ phía ngấn nước trở xuống, đá ong không đen mà vàng óng, có chỗ do cấu tạo địa chất và độ tuổi của đá thì màu vàng lại sánh mật hoặc rộm hơn.

Ông Hịu bảo, ngày đầu xuân mọi người ra giếng múc nước lấy lộc. Phần thì để cúng tế tổ tiên, phần thì đổ vào các chum vại pha trà ngày tết. Nước này mà pha trà thì không chê được. Trà không chỉ giữ được màu nước mà hương vị cũng không bao giờ bị lạc, đúng là nhất nước nhì pha tam trà tứ ấm.

Ở trên bề mặt giếng bàn chân, là gờ giếng với những tảng đá xanh chạy xung quanh. Gọi là đá xanh nhưng cũng là đá quý. Qua thời gian lâu đời, bề mặt đá xanh đã bóc hết để lộ ra những vân hồng đỏ.

Ông Hịu còn dẫn khách đến gần gốc cây si cổ thụ, chỉ tay vào hai cái chậu bằng đá xanh. Trên đó, cổ đã mọc um tùm. Ông bảo, trước có đủ bốn cái chậu như vậy. Giờ hai cái rơi xuống đáy giếng, hai cái ở bên bờ, nhưng không biết chậu đá để làm gì nên cho cỏ mọc.

Có nhiều đoàn nghiên cứu về xóm Mát tìm hiểu giếng này nhưng đều không có một đáp án thuyết phục. Bởi lẽ, người ta không tìm ra bất kỳ một tư liệu lẫn kiến trúc giếng cổ nào lạ kỳ đến thế.

Không chỉ có một cái

Ở Tốt Động, giếng bàn chân xóm Mát được coi là cổ, quý và đẹp nhất. Tuy nhiên, nó không phải là giếng bàn chân duy nhất ở vùng đất này.

Giếng hình bàn chân ở xóm Tròn.

Cách xóm Mát chưa đầy cây số, ở xóm Tròn cũng có một cái giếng hình bàn chân người đầy kỳ thú. Giếng này nhỏ hơn và cũng đã bị lấp mất một nửa phần miệng giếng do dự án mở rộng đường thôn xóm.

Nửa miệng giếng còn lại nằm bên trong tường bao thuộc phần đất nhà ông Hùng. Miệng giếng nhìn qua khá hẹp, nhưng khi cái nắp nhỏ được mở ra, phía dưới thênh thang và sâu hoắm như một cái động không đáy.

Ông Hùng cho biết, miệng giếng này tuy không giống hình bàn chân người, nhưng đáy giếng lại rõ rệt hình bàn chân. Giếng sâu đến 15m, nước cũng trong và ngọt như giếng ở xóm Mát.

Toàn bộ thành giếng đến đáy giếng là đá ong nguyên khối. Như thể ngày xưa người ta sau khi phát hiện tia nước đã cố đào xuống cho thành một cái giếng.

Ông Nguyễn Hữu Sản nguyên là bí thư xã Tốt Động, cho biết: “Năm 2004, giếng suýt bị lấp vì dự án làm đường. Nhưng mọi người đã họp bàn và quyết định không thể lấp giếng được. Một phần cũng vì sợ động chạm đến tâm linh”.

Người dân xóm Tròn hiện nay vẫn kể câu chuyện cách đây không lâu. Khi dân làng rước kiệu Thánh đi qua giếng thì bỗng dưng bị ngưng lại. Rất nhiều trai tráng xúm vào cố vác đi nhưng kiệu càng nặng hơn. Các cụ mới nhớ ra gì đó và làm lễ lập bàn thờ thì quả nhiên kiệu Thánh lại nhẹ bẫng đi.

“Tôi đã từng đến giếng bàn chân ở Tốt Động và thấy thế này: Khi phát hiện ra khối đá ong, người ta đã đào sâu xuống cho đến khi gặp được mạch nước. Hình bàn chân không phải là ý đồ người đào, mà đó là vô tình. Khi đào đá ong, người ta sẽ lựa xem chỗ nào đá non và mềm thì cứ thế đào xuống”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương.

(còn nữa)

Trần Hòa

BẢN DESKTOP