Dọc đường

Bóng giếng của Hà Nội – Kỳ 2: Làng có 73 giếng cổ

Làng Cổ Sở xưa, nay đã thành 3 xã của huyện Hoài Đức. Ngôi làng rộng lớn, kéo dài từ sát dòng sông Đáy tới tận núi Sài Sơn từng ẩn chứa biết bao bí mật. Trong số đó, 73 cái giếng cổ không chỉ cho nước uống, mà trùm cả lên những huyền sử về vàng.

Cụ Bốn bên giếng thần.

Tam đại Cổ quý

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng là cụ Nguyễn Khắc Xương, con trai cố thi sĩ Tản Đà đọc cho tôi nghe câu: Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở. Cổ Sở đây chính là 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và một phần Yên Thái của huyện Hoài Đức – Hà Nội.

“Làng chúng tôi từng nổi tiếng về giếng cổ. Có rất nhiều đoàn khảo sát đến tìm hiểu, chiêm ngắm. Nhưng thú thực, giờ chỉ còn lại một số. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu là giếng bị lấp, bị san bằng”.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó chủ tịch UBND xã Yên Sở

Ba làng có chữ Cổ xưa kia là ba làng quý nhất. Ta hình dung Cổ Bi là vùng đất phía bắc châu thổ sông Hồng, xoay quanh đất Kinh Bắc; Cổ Loa thì đã là kinh đô từ thời An Dương Vương, sau rồi mở rộng xuống phía Nam, ôm trùm lấy khu vực thành Đại La.

Cổ Sở là một phần Xứ Đoài, mà mãi sau này còn giữ những tên làng cổ, được gọi tắt là vùng So Sở. Mà đâu phải chỉ có So Sở, các vùng đất nổi tiếng khác như Nhị Khê, Hạ Hồi, Giẽ Hạ, Kẻ Đà, Ước Lễ, hoặc như Bùng, Mía, Phùng, Nủa vẫn tồn tại với nhiều chứng tích thuyết phục.

Riêng về Cổ Sở thì từ xa xưa đã nổi tiếng với giếng. Bởi thế, người xưa còn lập ở làng này đủ các xóm giếng. Mỗi xóm lại có tên riêng thật lạ, thật hay và cũng đầy những thâm thúy theo lối triết luận: Nước sinh ra mọi thứ.

Thời vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội thì vùng đất Cổ Sở thuộc về một trong bốn phủ của tỉnh. Nơi đây cũng từng diễn ra trận kháng cự của quân đội nhà Nguyễn cùng quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc chống lại quân đội Viễn chinh Pháp khi chúng tấn công lỵ sở Hoài Đức. Tất nhiên, ngay sau đó nhà Nguyễn phải đầu hàng.

Những cuộc chinh chiến tao loạn ấy đã phá tan những di tích nghìn năm của Cổ Sở. Nhưng may mắn sót lại những chiếc giếng cổ kính. Giếng giống như bảo vật làng.

Nhiều giếng cổ nhất

Không ai ngờ, Cổ Sở là làng có nhiều giếng cổ nhất Việt Nam. Mà theo như cụ Xương, các thôn trang làng Việt xưa nhiều lắm cũng chỉ có chục giếng chia ra theo xóm. Còn Cổ Sở, không chỉ chia giếng theo nền nếp cũ mà còn thêm giếng của dòng tộc, họ mạc.

Những cái giếng quý bị vây kín.

Tổng thể 73 cái giếng rải rác và dày đặc kéo dài từ Sài Sơn đến bờ đê sông Đáy. Giếng làng Cổ Sở không giống nhau về dáng hình, kích thước, sâu nông nhưng đặc trưng đều có thành đá ong.

Giếng cổ nhất, cũng là quý nhất là giếng cổ ở xóm Giếng xã Yên Sở. Hiểu giếng này, không ai bằng cụ Trần Xuân Bốn và cụ Nguyễn Bá Hân.

Cụ Bốn từng đưa con sào dài chục thước ta chạm đáy giếng để đo độ sâu. Cụ cũng từng mầy mò xem dưới giếng có gì và phát hiện tận cùng là hai miếng gỗ lim bản dầy cùng những hộc đá tảng xanh.

Xung quanh tang giếng là đá ong già tuổi. Qua thời gian ngâm ủ, tuy đá đã lỗ rỗ những vết mòn của sóng nước nhưng vẫn còn chắc rắn như đá gan gà. Đá xanh chồng xếp hộp phía dưới, đá ong cắt hộp phía trên tạo cho tang giếng một bề dầy và độ chắc dường như vĩnh cửu.

Nước giếng này vẫn trong và ngọt, nhưng lâu ngày không được khơi thông vệ sinh nên vài cọng dương xỉ đã bám cạnh trên viền mặt nước. Cụ Bốn bảo: “Giếng quý, phải bảo vệ kỹ nên chúng tôi dùng nắp đậy, rào chắn cho chắc ăn”.

Những vết yểm Cao Biền

Ở Cổ Sở, hiểu giếng không ai bằng cụ Bốn, nhưng hiểu lịch sử ra đời của nó lại không ai bằng cụ Hân. Cụ lần giở lại cuốn sách chữ nho ngả màu lá úa đọc lai lịch của 73 chiếc giếng cổ này. Nhưng theo cụ, đấy chỉ là giả thuyết chứ không có căn cứ chính danh.

Mỗi cái giếng ở Cổ Sở được gắn với một giai thoại lạ kỳ.

Có chuyện cho rằng, 73 giếng cổ được quân xâm lược phương Bắc xây dựng để lấy nước ăn hoặc để cắt đứt long mạch. Đó là thủ thuật trấn yểm vượng khí của nhà địa lý Trung Quốc tên là Cao Biền.

Tuy nhiên, hai giả thuyết này được chính cụ Hân và nhiều nhà khoa học bác bỏ. Thứ nhất, nếu giặc đào thì chúng có thể làm qua loa, miễn sao có nước là được. Sao phải cầu kỳ, đẹp đẽ hoa mỹ thế. Hai là, nếu Cao Biền trấn yểm, hắn có thể làm bí mật, không dại gì công khai như vậy. Thiên cơ để lộ là hại thân.

Nhưng xem ra, xét về hình thế xứ Đoài, việc Cao Biền trấn yểm bằng cách đào giếng là có lý. Bởi, nhiều vùng ở Việt Nam từng bị Cao Biền đào giếng cắt long mạch mà chính trong bản tâu về triều Đường từng nói rõ.

Hơn nữa, Cao Biền biết vùng núi Ba Vì thiêng lắm. Hắn từng muốn yểm thuật nơi đây nhưng bị thánh Tản Viên “nhổ nước bọt”. Cao Biền bỏ đi, nhưng lại đào 73 cái giếng ở đất Cổ Sở để ngăn khí thiêng tràn xuống kinh thành.

Cụ Hân bảo, đó chỉ là giai thoại. Nhưng biết đâu đấy lại là thực. Bởi lẽ, người Cổ Sở vẫn từng kể nhau nghe chuyện người Tàu đến các giếng cổ đào xuống đáy lấy vàng. Chúng cho vàng vào những quan tài gỗ vàng tâm, rồi qua quan ải chở về cố quốc.

Lấp dần giếng cổ

Tất thảy 73 cái giếng cổ quý giá của Cổ Sở từng là báu vật, nhưng cũng có thời, báu vật chỉ được coi như thứ tầm thường. Bằng chứng là 73 cái không còn nguyên vẹn. Qua năm này tháng khác, người ta lấp dần đi, xóa dấu tích quê làng.

Mỗi giếng lại có một vị thần bản thổ trông giữ.

Để đến bây giờ, không ai rõ Cổ Sở còn được bao nhiêu giếng nữa. Nhưng theo cụ Bốn, chỉ khoảng hơn hai chục giếng còn tồn tại. Nhưng số nhiều, giếng chỉ còn lại cái bóng, cái dáng và cái vỏ. Có nhiều giếng không có nước, có nhiều cái có nước nhưng không dùng được. Và hầu như cái nào cũng bị vây sắt, bị khóa như đóng gông.

Cái lý cụ Bốn đưa ra khi rào chắn giếng, nghe qua chẳng hợp lý tí nào. Nhưng xét kỹ, nếu không rào lại thì chỉ dăm năm nữa, những giếng sót lại sẽ bị lấp, bị san phẳng. Cho nên tự nhiên, thứ không bình thường lại trở nên bình thường.

Cái giếng thần gần nhà cụ Bốn cũng vậy. Giếng có ban thờ miếu thánh, hương hoa suốt năm cung kính. Nhưng giếng bị khóa lại, bị rào chắn bốn bề. Khách lạ đi qua, sẽ tưởng giếng có độc, hay giếng có ma dữ như dân gian hay nói. Nhưng quả tình, như cụ Bốn giải thích: “Chúng tôi mà không rào chắn lại, thì đến cái bóng của giếng cũng không còn. Giếng sẽ bị lấp hết. Thời buổi tấc đất đắt hơn tấc vàng cơ mà”.

“Mỗi cái giếng có một vị thần bản thổ, gọi là thổ địa. Ở Cổ Sở, giếng nào cũng quý, nước rất trong và ngọt. Có những giếng sâu tới 25 mét, đáy lót gỗ lim, tang xếp đá”, cụ Trần Như Bốn.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP