Khoa học & Công nghệ

Bỏng da do dùng cao trầu không chữa nám

Trầu không có tác dụng trong nhiều trường hợp nhưng dùng cao trầu không chữa nám có thể gây ra các biến chứng như bỏng da rất cao.

Bỏng da vì dùng cao trầu không chữa nám

Nhiều trường hợp mua cao trầu không chữa nám bán trên mạng về dùng. Sau khi bôi cao lên mặt khoảng vài lần thì xảy ra tình trạng da mặt nóng và rộp, bong da loang lỗ. Dưới lớp da loang đó tất nhiên là trắng hơn so với làn da cũ. Nhưng sau khi dùng thêm thì da không những không lành mà tình trạng loang lỗ nặng hơn.

Trước vấn đề này, ThS Ngô Đức Phương, nguyên cán bộ Viện Dược liệu cho hay, người bán và người dùng do không hiểu biết nên dẫn đến tình trạng nhầm lẫn cao trầu không chữa nám, giúp làm đẹp da, chữa tàn nhang…

Trên thực tế, trầu không có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng sát khuẩn mạnh. Trầu không có tác dụng chữa sâu răng, viêm phần phụ, mụn nhọt, hắc lào,… Nhưng khi đã nấu thành cao nghĩa là độ đậm đặc cao, hoạt chất càng nhiều, bôi vào thì bị “bỏng” và gây ra hiện tượng cháy da, loang lổ.

“Do thiếu hiểu biết lại không hiểu rõ về các dược tính của trầu không nên người ta cho rằng lột da là làm đẹp. Thực ra, lột da ở đây là do bị bỏng, mất đi lớp da trên bề mặt nên trông sáng hơn”, ThS Ngô Đức Phương cho hay.

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho hay, ông đã gặp trường hợp một phụ nữ sử dụng nước trầu không đặc để rửa phần phụ. Kết quả là bị bỏng, phồng rộp phần phụ đến mức đau rát, khó chịu, bị viêm nhiễm nặng hơn lúc ban đầu. Do đó nếu không hiểu biết, dùng trầu không, cao trầu không một cách bừa bãi sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng.

Trầu không không có tác dụng chữa tàn nhang

BS Nguyễn Xuân Hướng cũng nhấn mạnh, trầu không có những chất bám rất chặt và da cũng như vải. Hơn nữa, trầu không có tính nóng nên khi dùng lên da nguy cơ bỏng cao. Ví dụ chúng ta nhỏ một chút nước cốt trầu không vào quần áo thì khó có thể giặt sạch. Do đó, nếu sử dụng lên da, nhất là bề mặt thì chúng sẽ bám dính, ăn da khó có thể xử lý để không bị tác dụng phụ như gây bỏng, viêm được. Do đó, nếu sử dụng bừa bãi có thể khiến hại da hơn so với ban đầu.

Các chuyên gia cũng đều khẳng định, trong Đông y trầu không có tác dụng nhưng không dùng để chữa bệnh tàn nhang, sạm nám. Thậm chí chưa bao giờ nghe đến cách chữa bệnh này. Trầu không chỉ dùng để ăn trầu, súc miệng chữa sâu răng hoặc làm thơm miệng. Với các cách chữa viêm phần phụ hay đắp mụn cho nhanh vỡ, chữa hắc lào… đều là truyền miệng dựa trên yếu tố trầu không có tính sát khuẩn.

Hơn nữa, khi dùng trầu không cần chú ý, không nên dùng đặc mà chỉ nên pha loãng với nước và cho thêm một tí muối. Nhất là các không dùng các loại cao không rõ nguồn gốc trên thị trường để tránh tình trạng họ cho thêm các thành phần thuốc lột da, làm trắng trong đó nhằm mục đích thuốc có hiệu quả nhanh nhưng lại độc hại. Chỉ nên dùng các loại cao của các chuyên gia y tế hoặc cơ sở sản xuất uy tín. Bởi bản thân họ biết cách chế biến, hiểu rõ thành phần của sản phẩm tương tác đến cơ địa người dùng ra sao.

“Trầu không có nhiều thành phần như protein, chất béo, muối khoáng, carbon hydrat, vitamin, tinh dầu, tanin… Chất tanin có trong đó là chất bám dính trên vải mà không giặt được sạch. Còn thành phần giúp sát khuẩn cao của trầu không lại là tinh dầu. Do tinh dầu có tính nóng nên nếu dùng đậm đặc gây ra bỏng là điều dễ hiểu”, KS Ngô Văn Trại, nguyên cán bộ Viện Dược liệu.

Hiền Dung

BẢN DESKTOP