Y học và đời sống

Bơm keo sinh học chữa suy giãn tĩnh mạch

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) -  Viện Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 vừa ứng dụng thành công keo sinh học trong điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới cho 2 trường hợp đầu tiên.  Sau 15 – 20 phút can thiệp bệnh nhân có thể trở về sinh hoạt bình thường.

Trở lại làm việc ngay sau thủ thuật

Phương pháp mới này được triển khai dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Chong Tze Tec - Trưởng khoa Mạch máu, Bệnh viện Quốc gia Singapore, chuyên gia có kinh nghiệm điều trị thành công hơn 300 trường hợp suy giãn tĩnh mạch nông bằng keo sinh học.

Bệnh nhân đầu tiên là Đỗ Anh D. (40 tuổi, Hà Nội). Do tính chất công việc làm nhân viên văn phòng anh D. liên tục phải ngồi và đứng hầu như suốt thời gian làm việc 8 tiếng/ngày. Cách đây 3 năm, anh bị chứng nhức nhối và đè nặng ở cẳng chân, chuột rút, cảm giác rất khó chịu. Anh đến khám được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch và điều trị nội khoa, kết hợp mang vớ thì thấy thuyên giảm.

Cách đây 2 tháng, tình trạng bệnh trở nặng, điều trị thuốc không hiệu quả, anh thường xuyên nhức mỏi chuột rút chân về đêm. Đến thăm khám và thực hiện siêu âm tĩnh mạch, bác sĩ chẩn đoán chị bị suy giãn tĩnh mạch hai chân độ 2. Với nhu cầu điều trị nhẹ nhàng, nhanh bình phục để tiếp tục công việc, anh là người đầu tiên được thực hiện điều trị bằng phương pháp mới này.

Tương tự, Phạm Anh T. (59 tuổi, Hà Nội) thấy nhức mỏi hai chân nhiều, điều trị nhức mỏi xương khớp không đỡ đến viện thì đã bị bị suy giãn tĩnh mạch độ 3, tĩnh mạch nông giãn nhiều, sưng chân, siêu âm tĩnh mạch có dòng trào ngược. Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mới ứng dụng keo sinh học. Sau can thiệp, hai người bệnh đều thấy nhẹ nhàng, ít đau, có thể đi lại ngay và xuất viện.

ThS BS. Lê Duy Thành, viện tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108, điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng keo sinh học (Cyanoacrylate) là phương pháp mới được FDA của Mỹ cho phép thực hiện thường quy năm 2015. Hiện nay, kỹ thuật này đã thực hiện tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, New Zealand, châu Âu, Chile, Australia, Ả Rập, Hong Kong, Singapore,…

Đây là phương pháp ít xâm lấm, thời gian thực hiện từ 15 – 20 phút và hồi phục nhanh. Người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại các sinh hoạt bình thường hằng ngày ngay sau thủ thuật. Việc tập luyện và chơi thể thao sẽ trở lại bình thường sau 1 ngày, không cần dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm hay giảm đau. Triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ sau 1 tuần điều trị.

Nhiều biến chứng nguy hiểm và khó chữa

BS Lê Duy Thành, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, suy giãn tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng dẫn máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch ở chân, gây ứ đọng máu ở vùng thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là gây ra các dấu hiệu như nặng mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, nổi gân xanh (tĩnh mạch) ngoằn ngoèo, phù chân, ngứa da,…Tình trạng ứ đọng này kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch,… nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.

Mỗi năm, có khoảng 1500 lượt người bệnh khám và điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại Bệnh viện, người bệnh được điều trị bằng can thiệp ngoại khoa (Phẫu thuật kinh điển, đốt sóng cao tần (RFA) hoặc Laser nội tĩnh mạch). Phương pháp mới ứng dụng keo sinh học mở ra thêm nhiều cơ hội điều trị hiệu quả cho người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới.

ThS Lê Duy Thành khuyến cáo, tỷ lệ suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi. Tuy nhiên, người trẻ không nên chủ quan đối với bệnh giãn tĩnh mạch, cần chủ động phòng tránh bệnh. Ngoài việc hạn chế đứng, ngồi một chỗ lâu, nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đi bộ 15 phút mỗi ngày sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch. Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh giãn tĩnh mạch như nặng, mỏi chân, tê rần lòng bàn chân, nổi gân xanh ngoằn ngoèo,… người bệnh nên đến các chuyên khoa tĩnh mạch để chẩn đoán và điều trị kịp thời".

Các tĩnh mạch giãn to nếu không được điều trị, lấy bỏ sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Các cục máu đông tạo lập trong lòng mạch có thể bong ra, theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao. Các tĩnh mạch giãn to dần, đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu. Sự rối loạn biến dưỡng da ở cẳng chân lâu ngày sẽ dẫn đến chàm, tăng sắc tố da và loét chân do ứ đọng. Tình trạng loét chân do tĩnh mạch là một biến chứng rất khó điều trị.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP