Y học và đời sống

Bôi thuốc đắng để con không mút tay

Sợ con mút tay mất vệ sinh, ảnh hưởng răng miệng, chị nghe theo cách bôi thuốc đắng để con không mút tay. Nhưng vì thuốc đắng quá, cháu khóc ầm lên đến độ nôn ra.

Con chị Lại Thị Yên (Hải Dương) hơn 2 tuổi rồi nhưng rất hay mút tay. Ở tuổi này cháu đã tự chơi một mình, đi lại khắp nhà, sờ mó lung tung, thỉnh thoảng ngã oạch ra đất. 

Cháu khám phá thế giới bằng mắt, miệng, tay rồi lại đưa tay lên miệng mút nên chị Yên rất lo ảnh hưởng sức khỏe và răng miệng cháu. Vừa rồi có người mách chị bôi tí thuốc đắng vào tay để cháu không dám mút nữa, chị làm theo nhưng thuốc đắng quá, cháu khóc ầm lên đến độ nôn ra mà chị rất khó dỗ cháu nín.

Lời bàn: Cô Hoàng Anh (Trường mầm non Ban Mai) cho biết, trẻ mút tay không đáng ngại, đến một lúc nào đó trẻ sẽ tự bỏ mút tay. Tuy nhiên, nếu trẻ đưa tay xuống đất rồi lại cho lên mồm mút rất dễ đưa trứng giun, sán vào bụng. Muốn con thôi mút tay không nên bôi thuốc đắng, chất cay lên ngón tay con vì lỡ các con đưa lên mắt cũng rất nguy hiểm.

Cách tốt nhất, cha mẹ nên quan sát hành động của con để tìm thời điểm con hay mút tay và uốn nắn. Nếu con mút tay khi ngồi chơi một mình, khi buồn ngủ nên ru con vào giấc ngủ sớm. Nếu cứ bực tức là con mút tay phải giải tỏa nỗi bực tức để con không cần trấn an bằng mút tay. Nếu con vừa chơi vừa mút tay thì tìm cách làm phân tán sự chú ý của con, đưa cho con một số đồ chơi thú vị để con quên đi.

Con đói mà mút tay thì tìm một vài đồ ăn vặt lành mạnh để con tập trung, chú ý. Trẻ em rất mau quên, mỗi hôm một chút, bố mẹ chính là người giúp trẻ bỏ thói quen xấu có hại cho sức khỏe.

MA (ghi)

BẢN DESKTOP