Dữ liệu y khoa

Bộ Y tế: Tiên phong ứng dụng công nghệ số phục vụ người bệnh

  • Tác giả : Thúy Nga
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, với mong muốn đưa công nghệ tới gần y bác sĩ, người dân.

Nỗ lực số hóa đến cấp cơ sở

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, thế giới có những bước phát triển vũ bão, mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, đặc biệt, rất nhiều ứng dụng công nghệ đã được triển khai trong lĩnh vực y tế.

“Thực tế cho thấy, nơi nào công nghệ thông tin phát triển, nơi đó sẽ hiện đại hơn, ưu việt hơn, thuận tiện hơn và có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Thứ trưởng nói.

Trong hai năm qua, hệ thống khám chữa bệnh đã ghi nhận những nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong đó đã triển khai thành công đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Bộ Y tế thực hiện chuyển đổi số theo dõi người bệnh từ xa

Bộ Y tế thực hiện chuyển đổi số theo dõi người bệnh từ xa

Tính đến giữa năm 2022, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 - mức cao nhất, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trên nền tảng số.

Sự dịch chuyển từ mô hình bệnh viện truyền thống sang mô hình bệnh viện Internet, bệnh viện tại nhà, bệnh viện số được hầu hết các cơ sở y tế quan tâm, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương. 100% bệnh viện cả nước đã triển khai tin học hóa, số hóa dịch vụ quản lý bệnh viện và kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội.

Các hệ thống phần mềm y tế cũng được triển khai nhằm đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ tích hợp dữ liệu, tạo tiền đề cho việc nâng cao khả năng tự động hóa; cùng với đó là hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử, khám chữa bệnh từ xa và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đã công khai ngân hàng dữ liệu ngành dược, thúc đẩy số hóa ngành dược để quản lý tốt hơn.

Ở tuyến y tế cơ sở, hầu hết các trạm y tế xã trên cả nước đã được trang bị máy vi tính. 94% trong tổng số 11.100 trạm đã được triển khai phần mềm quản lý 18 chương trình y tế. Tuy mức độ ứng dụng nhiều nơi chưa cao, nhưng đây là nền tảng để ngành y tiếp tục số hóa hoạt động quản lý đến cấp cơ sở.

Chuyển đổi số thực hiện bệnh viện không giấy tờ, không thu tiền mặt

Chuyển đổi số thực hiện bệnh viện không giấy tờ, không thu tiền mặt

Ba giai đoạn quan trọng triển khai nền tảng số ngành y

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1, trong năm 2022, tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/09/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc quyết định tương đương thay thế, bước đầu hình thành kho dữ liệu tập trung về khám chữa bệnh, tạo cơ sở dữ liệu lõi cho các nền tảng số y tế.

Đồng thời ban hành quy định về mô hình nghiệp vụ và cấu trúc thông tin nghiệp vụ để thúc đẩy việc hoàn thiện và xây dựng mới các nền tảng số y tế thuộc danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Giai đoạn 2, từ năm 2023-2025: Thúc đẩy 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai thực hiện khám chữa bệnh không giấy tờ, hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 3, từ năm 2025-2030, hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế về: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa...

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải hoàn thành: triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số, người dân có thể thực hiện đăng ký khám và đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% trên tổng giá trị thanh toán viện phí.

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”, mục tiêu xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân với thông tin được cập nhật liên tục, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu cá nhân, đồng thời phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe đến mỗi người qua nền tảng này.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP