Bình luận

Bỏ “tư duy dự án” mới phát triển được

ThS Lưu Đức Khải, Trưởng ban Ban Chính sách Phát triển Nông thôn, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương nhận định, phát triển nông thôn miền núi vốn là vấn đề khó, cần những giải pháp tổng thể, sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Tiền thôi chưa đủ mà còn cần chính sách phù hợp, thực thi chính sách tốt, và chính người lãnh đạo phải có tâm, có tầm.

ThS Lưu Đức Khải, Trưởng ban Ban Chính sách Phát triển Nông thôn, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương.

Chính sách chính là tiền

Nhiều người cho ý kiến và ngay cả trong các phiên chất vấn của Quốc hội cũng có người đặt câu hỏi, vì sao nông thôn miền núi vẫn chưa phát triển, mà đầu tư vẫn cứ đầu tư. Là người nghiên cứu về phát triển nông thôn miền núi nhiều, theo ông thì để tạo ra sự đột phá phát triển khu vực này, giữa chuyện tiền đầu tư và chính sách, cái nào quan trọng hơn?

Chính sách chính là tiền. Chúng ta không nói thẳng thế nhưng đó là bản chất. Khi đưa ra một chính sách nào để để phát triển, luôn có những cơ chế tài chính kèm theo để thực hiện.

Vì thế mà không thể rạch ròi chính sách cần thiết hơn hay là tiền cần thiết hơn. Nhưng phát triển nông thôn miền núi là câu chuyện dài, cần sự nỗ lực của nhiều ngành chứ không chỉ riêng Ủy ban Dân tộc.

Quả thực bây giờ tôi đi lên miền núi, hình ảnh tôi nhìn thấy vẫn không khác nhiều so với cách đây 10 năm, vì đâu mà lại có sự chậm phát triển đó?

Xuất phát điểm của khu vực này khá thấp, sức ì lớn, để phát triển cần một cú hích rất lớn. Nhưng quan trọng hơn, để phát triển được bền vững thì phải bằng nội lực chứ không phải là những kích thích từ bên ngoài.

Ví dụ, người miền núi sống nhờ rừng, nếu chỉ chặt gỗ bán thì khó mà thoát nghèo. Nhưng nếu họ tham gia trồng rừng, khai thác có bài bản, tham gia chế biến, tiêu thụ… thì chắc chắn họ sẽ sống dựa vào rừng được.

Hay khi người ta bảo vệ được rừng thì thủy điện phải trả tiền cho họ để họ giữ rừng tạo ra nguồn nước, các ngành công nghiệp phải trả tiền cho họ để họ trồng cây hút cacbon do các nhà máy công nghiệp thải ra… Đó là chính sách của nhà nước chứ họ không tự nghĩ ra được.

Vấn đề chúng ta đang gặp phải khiến khu vực này phát triển còn quá chậm là do đâu, chính sách hay đầu tư?

Nó có nhiều nguyên nhân, ngoài xuất phát điểm thấp, bước tiến chậm nên khoảng cách tụt hậu ngày càng xa. Tốc độ tăng trưởng của các ngành khác nhau, bản chất ngành nông và lâm nghiệp có tốc độ tăng chậm hơn nhiều so với công nghiệp và dịch vụ. Thành quả của công cuộc đổi mới không được phân bổ đều, các nguồn lực đều tập trung ở đồng bằng, nơi sầm uất…

Phải chăng chính sách của ta chưa phù hợp?

Phải nói là chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư phát triển vùng nông thôn miền núi. Để thu hút được thì phải có cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp bớt được chi phí. Mà đầu tư cũng có những cái khó, làm một con đường mà ít sử dụng thì rất lãng phí, nhưng không làm thì lại càng không thể phát triển.

Khoảng cách chênh lệch sự phát triển dường như đang ngày càng xa giữa nông thôn miền núi với thành phố?

Đúng thế, tốc độ tăng trưởng và nguồn lực khác nhau làm cho khoảng cách đó ngày càng xa.

Đầu tư dàn trải, khó có đột phá

Cũng có ý kiến cho rằng, đầu tư cho nông thôn miền núi hiện không phải là ít hay không quan tâm, mà bởi chúng ta đầu tư quá dàn trải?

Điều này là rất đúng. Hiện có rất nhiều chương trình, chính sách cho nông thôn miền núi. Có thể phân thành các nhóm về phát triển cơ sở hạ tầng, sinh kế, an sinh, xã hội… Hôm trước chúng tôi có rà soát các chính sách giảm nghèo nông thôn miền núi thì thấy, hiện có khoảng 100 chính sách đang có hiệu lực.

Đó là rà soát chưa đầy đủ. Điều đó chứng tỏ các nguồn lực đang phân bổ rất dàn trải. Mà mỗi chính sách có một mục tiêu khác nhau, mỗi đối tượng một ít, mỗi nơi một ít, không thành tấm thành món để tạo ra một sự đột phá thực sự. Việc điều phối, kết nối các chính sách lại với nhau tạo ra nguồn lực tài chính đủ mạnh là rất quan trọng.

Rõ ràng không phải vì chúng ta ít tiền để đầu tư mà bài toán ở đây là sử dụng tiền đầu tư thế nào?

Mỗi chính sách một mục tiêu, giai đoạn khác nhau mà chưa thực sự đi đến tận cùng. Ví dụ như chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng lại thiếu tiền để duy tu, thành ra công trình xây xong bỏ đó, công năng của công trình không phát huy tác dụng. Rồi đào tạo, vận hành, kinh phí thường xuyên duy tu sữa chữa… lại chưa được chú trọng.

Ví dụ xây một bể nước cho thôn bản, nhưng phải duy tu bảo dưỡng đường ống, có bảo vệ để công trình không hư hại, thì chúng ta lại mới chỉ dừng lại ở xây cái bể nước. Có thể lúc bàn giao thì rất hoành tráng, nhưng khi đường ống hỏng, rãnh thoát bị tắc… là lại bỏ xó, rất phí.

Trở lại câu chuyện tiền hay chính sách, nếu chỉ có tiền không thôi là chưa đủ để phát triển?

Chính xác là như thế. Tiền chỉ là công cụ thực hiện mục tiêu. Có tiền, có chính sách nhưng cũng phải được thực hiện đồng bộ. Ngoài đầu tư phần cứng còn phần mềm như kết nối, nhận thức, tăng cường năng lực…

Điều đó đỏi hỏi không chỉ tiền mà còn là tầm nhìn, tính toán để khai thác lợi thế, kết nối với các vùng khác.

Thực trạng nông thôn miền núi chưa phát triển như kỳ vọng, phải chăng cũng bởi vì bản thân chính sách cũng chưa “ra tấm ra món”?

Vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì cái gì cũng cần. Nên nếu không có tầm nhìn của người làm chính sách thì sẽ dẫn đến tình trạng người làm lĩnh vực A thấy cái A rất cần, người làm lĩnh vực B lại thấy cái B cần hơn.

Thành ra mọi lĩnh vực, cái nào cũng cần mà không có điểm nhấn, không có cái gì là cần nhất sự hỗ trợ bên ngoài, cái gì cần huy động các nguồn lực, cái gì người dân tự làm được…

Nếu coi chính sách là của nhà nước đem đến cho dân, chúng tôi là người dân thì chúng tôi chỉ việc thụ hưởng, thì sẽ không bao giờ phát triển được.

Đáng buồn là điều đó không phải là hiếm?

Bởi vì làm thế nó dễ, ai cũng làm được. Còn tổ chức để người dân tham gia, hưởng lợi thì cần phải có quá trình, thời gian… Chính sách phải có sự tương tác.

Đừng đua hộ nghèo, chạy dự án…

Thực tế, chính sách giảm nghèo đến với người dân cũng có nơi rất thụ động. Được cấp cho con trâu, con bò, cấp cho mấy triệu đồng, ăn, tiêu hết rồi lại nghèo, thành ra cứ như cái vòng luẩn quẩn?

Cái này người ta gọi bằng một từ đại ý giống như là “chia chác” chính sách ấy. Kiểu như chính sách về, anh không lấy thì thiệt. Kiểu “xin, chia” nhiều hơn là nghĩ về mục tiêu phát triển hay tương tác để phát triển bền vững.

Hiện vẫn còn tư tưởng “chạy dự án”, nếu phát triển nông thôn với tư duy dự án như thế, bằng mọi cách có dự án, có tiền đầu tư, hết dự án là hết tiền thì không thể bền.

Rồi chuyện “chia suất hộ nghèo”, năm nay nhà ông nghèo rồi thì sang năm phải đến lượt nhà tôi đấy nhé…

Nhưng đây đâu phải là điều gì mới?

Đúng thế, nghèo đói, các vấn đề an sinh xã hội luôn là những vấn đề trước mắt và nan giải nhất cần giải quyết. Phải xem họ thiếu ở lĩnh vực nào để có những chính sách phù hợp để lấp đầy, chính sách phải đi vào cụ thể, từng nhóm chứ không thể lẻ tẻ kiểu ban phát.

Theo ông thì phải làm gì để tạo ra sự đột phá cho khu vực nông thôn miền núi?

Lâu nay chúng ta vẫn chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng cứng mà quên đi các phần mềm. Xây một trường học, trạm y tế, đường giao thông… là tốt nhưng để phát triển nông thôn miền núi, không chỉ là xây dựng mà là phát huy được các công trình đó, thế mạnh của vùng đó, phát triển lợi thế vùng.

Làm cái đó vất vả, vì nhìn thì không thấy đâu cả, đòi hỏi người cán bộ phải có tầm nhìn, kết nối với các doanh nghiệp… Vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Có người hỏi, liệu chục năm nữa lên miền núi có nhìn thấy sự biến chuyển, khác biệt so với bây giờ không. Thực ra không cần làm gì, tự nó đã phải phát triển theo lẽ tự nhiên. Vấn đề là cái khác ấy thế nào, khi người ta tiến 3 bước mà mình tiến 1 bước là tụt hậu. Làm thế nào để kéo gần cái khoảng cách ấy lại, chuẩn bị các cú hích như thế nào, người dân tham gia đổi mới ra sao… thì sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Ngược lại thì sự phát triển sẽ chậm.

Ông Lưu Đức Khải

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP