Pháp luật

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải chuẩn hóa nông sản trong nước

  • Tác giả : PHạm Hoa (t/h)
Bày tỏ lo ngại về tình trạng rau không rõ nguồn gốc dán nhãn VietGAP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo từ nay đến cuối năm phải chuẩn hóa nông sản trong nước.

Chiều 22/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc về quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh một số đơn vị cung cấp rau mua hàng không nguồn gốc ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP để đưa vào siêu thị.

Cho rằng ngành nông nghiệp còn nhiều tồn tại mà người nước ngoài hay gọi là "dễ dãi", Bộ trưởng nói: "Sản xuất dễ dãi, ăn cũng dễ dãi. Với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán cũng sẽ dễ dãi, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau sạch mà cả các vấn đề khác của xã hội".

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp từ nay tới cuối năm, theo Bộ trưởng Hoan, là chuẩn hóa nông sản tại thị trường trong nước, bắt đầu từ các chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải chuẩn hóa nông sản trong nước ảnh 1Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc về công tác quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản.

Để làm việc đó, ông Hoan chỉ đạo rà soát tất cả tiêu chuẩn, quy định, chế tài. "Lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP mà chưa bắt buộc tất cả siêu thị bán hàng VietGAP. Nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì Nhà nước có thể vào cuộc, xử lý hình sự, người tiêu dùng có thể tẩy chay", ông nói.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng rau chợ không rõ nguồn gốc thành rau VietGAP là chuyện "sớm muộn sẽ xảy ra" bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát. "Muốn kiểm soát được thì phải kiểm tra chéo. Chính quyền địa phương - nơi có cơ sở sản xuất là rõ nhất thì vai trò quản lý, giám sát ở địa phương phải đặt lên hàng đầu", bà nói.

Theo bà Hậu, các cơ quan quản lý cần xử phạt nghiêm đơn vị làm ăn gian dối để không làm ảnh hưởng đến người làm ăn chân chính; đẩy mạnh việc sản xuất nông sản trái vụ, tránh trường hợp phải mua hàng trôi nổi bên ngoài.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết hiện tiêu chuẩn VietGAP được sử dụng để đo lường chất lượng rau củ. Tuy nhiên, quản lý sau khi VietGAP chứng nhận lại là bên thứ ba. "Các đơn vị được chỉ định có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng là VietGAP hay không thì chúng ta chưa làm tốt khâu này", ông thừa nhận.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là hệ thống tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam. Nó bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2022, có hơn 8.300 cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương, với diện tích 480.000 ha./.

PHạm Hoa (t/h)

BẢN DESKTOP