Dinh dưỡng

Bỏ thuốc hạ mỡ máu, người đàn ông 44 tuổi nguy kịch vì viêm tụy cấp

  • Tác giả : Thúy Nga
Rối loạn lipid máu cần duy trì thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và đi khám theo hẹn để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường như: đau bụng, chướng bụng cần đến ngay các cơ sở y tế.

30-35% bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện do tăng mỡ máu

Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ vừa cấp cứu cho bệnh nhân 44 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì đau bụng thượng vị sau uống rượu.

Gia đình chia sẻ, bệnh nhân tiền sử viêm tụy cấp do tăng triglycerides 3 lần. Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc hạ mỡ máu nhưng bệnh nhân bỏ thuốc.

Khoảng vài ngày trước vào viện có uống rượu, sáng ngày vào viện bệnh nhân xuất hiện đau bụng thượng vị, đau âm ỉ đôi lúc trội thành cơn, bụng chướng tăng dần, bí trung đại tiện, tiểu tiện được…khi xuất hiện các cơn đau dữ dội bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hùng vương trong tình trạng nguy kịch, bụng chướng…

Kết quả chụp CT ổ bụng: hình ảnh viêm tuỵ cấp balthazar E, xét nghiệm triglycerides 68,14 mmol/l, khí máu toan chuyển hóa nặng pH 7,30 HCO3- 14,8 Lactate 3,8.

Máu của bệnh nhân nhiễm mỡ trắng như sữa - Ảnh BVCC

Máu của bệnh nhân nhiễm mỡ trắng như sữa - Ảnh BVCC

Nhận thấy đây là ca bệnh viêm tụy cấp nặng do tăng triglycerides, nguy cơ tiến triển thành suy đa cơ quan, toan chuyển hóa nặng, tỷ lệ tử vong cao, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành điều trị tích cực hồi sức cho bệnh nhân, tiến hành hội chẩn với lãnh đạo khoa và thống nhất thay huyết tương kết hợp lọc máu cho bệnh nhân

Sau khi thay huyết tương và lọc máu tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt: bệnh nhân hết chướng bụng, không đau bụng, buồn nôn. Triglycerides giảm đáng kể từ 68,11 mmol/l xuống 4,78 mmol/l, khí máu hết toan chuyển hoá,

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị tích cực tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, không đau bụng, ăn uống bình thường và sẽ sớm được ra viện trong 1 vài ngày tới.

Các chuyên gia cho biết, viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp khoảng 30-35% trong tổng số bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện. Với mức triglyceride >5.6 mmol/L bệnh nhân có nguy cơ bị viêm tụy cấp, nếu triglyceride >11.3 mmol/L nguy cơ mắc viêm tụy cấp là 5%, tỷ lệ này tăng lên 10-20% khi mức triglyceride > 22.6 mmol/L.

Chăm sóc bệnh nhân viêm tụy cấp - Ảnh BVCC

Chăm sóc bệnh nhân viêm tụy cấp - Ảnh BVCC

Sau nguy kịch vẫn nhiều biến chứng đe dọa tính mạng

TS.BS Ngô Thị Hoài, Khoa Cấp cứu tiêu hóa - Bệnh Viện TWQĐ 108 chia sẻ: “Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm tụy cấp do tăng mỡ máu thường nặng hơn và đe dọa tính mạng bệnh nhân hơn so với các nguyên nhân khác. Nếu mỡ máu của bệnh nhân không được điều trị thì nguy cơ viêm tụy cấp tái phát và tiếp đó sẽ dẫn đến viêm tụy mạn gây suy cả tuyến tụy nội tiết và ngoại tiết.

Bác sĩ cũng khuyến cáo: bệnh nhân bị bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu nên đến khám và điều trị mỡ máu duy trì kiểm soát mỡ máu bằng chế độ ăn, cân nặng và thuốc. Đặc biệt người trẻ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu mà có kèm uống rượu thì tình trạng bệnh sẽ nặng và nguy cơ rất cao xảy ra viêm tụy và các bệnh lý tim mạch chuyển hóa”.

Các chuyên gia tiêu hóa cho biết, hiện tình trạng những người bị rối loạn chuyển hóa lipit phải cấp cứu ngày càng nhiều. Ngoài choleterol tăng cao, đa số bệnh nhân có hàm lượng triglyceride cao gấp 15 – 17 lần giới hạn cho phép đi kèm với rất nhiều tổn thương thực thể do uống rượu và rối loạn chuyển hóa gây ra. Đây là một căn bệnh khá nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp diễn ra rầm rộ như bệnh nhân bị chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, đau vùng thượng vị (ngay dưới xương ức), bí trung đại tiện.

Viêm tụy cấp diễn biến phức tạp, nhanh chóng. Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập. Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Vì vậy, bệnh nhân luôn cần được theo dõi y tế sát sao và thực hiện đúng theo hướng dẫn điều trị của Bác sĩ.

Các bác sĩ khuyến cáo đến người dân: uống rượu là điều khó tránh ở nam giới, bác sĩ cũng uống, tuy nhiên uống bao nhiêu và uống như thế nào là điều cần cân nhắc.

Đồng thời bệnh nhân rối loạn lipid máu cần duy trì thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và đi khám theo hẹn để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Và đặc biệt khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường như: đau bụng, chướng bụng cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP