KINH TẾ

Bộ Tài chính đề nghị chưa tăng thuế xuất khẩu phôi thép

  • Tác giả : Quốc Trọng
Bộ Tài chính cho biết nguồn cung phôi thép sản xuất trong nước đang dư nên việc tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này cũng chưa hẳn sẽ góp phần giảm giá thép thành phẩm trong nước.

Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Hiệp hội Thép cho thấy, năm 2020, xuất khẩu phôi thép đạt khoảng 4 triệu tấn và trong 6 tháng đầu năm 2021 là 1,7 triệu tấn (giảm 9% so với cùng kỳ). Năm 2020, hai doanh nghiệp sản xuất phôi thép xuất khẩu lớn nhất là Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu 1,65 triệu tấn và Công ty Formosa xuất khẩu 1,48 triệu tấn, chiếm hầu hết sản lượng phôi xuất khẩu của cả nước.

Còn số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, năm 2021, phôi thép các loại trong nước sản xuất dự kiến đạt khoảng 21,2 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và dành cho xuất khẩu.

Do đó, Bộ Tài chính nhận định “việc đặt vấn đề tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất phôi thép do dư thừa công năng, làm gia tăng hàng tồn kho. Nguồn cung phôi thép sản xuất trong nước đang dư nên việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép cũng chưa hẳn sẽ góp phần làm giảm giá thành thép thành phẩm”.

Hiện mức thuế xuất khẩu đối với nhóm nguyên liệu thô để sản xuất thép (quặng, thép phế liệu) hiện nay đã được quy định sở bằng mức trần khung thuế xuất khẩu (40% đối với quặng và 15 - 17% đối với phế liệu). Riêng mặt hàng phôi thép (thép thô), đây là bán thành phẩm được sản xuất từ quặng và thép phế liệu nên mức thuế suất thuế xuất khẩu đang được quy định là 0%.

Theo Bộ Tài chính, đây là một trong những giải pháp của Chính phủ nhằm khuyến khích doanh nghiệp ngành thép đầu tư, mở rộng sản xuất để ngành thép từng bước tự chủ được công nghệ và năng lực sản xuất phôi thép, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất thép xây dựng trong nước và xuất khẩu được ra nước ngoài.

Bộ Tài chính nhận định, để thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững, hạn chế việc khai thác nguồn điện giá rẻ để sản xuất phôi thép cần phải có các giải pháp tổng thể khác.

Lý giải nguyên nhân giá thép tăng mạnh trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cho rằng chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao. Trong khi đó, 90% quặng để sản xuất phôi thép trong nước hiện nay là hàng nhập khẩu.

Trước đó, tại dự thảo sửa đổi liên quan, Bộ Tài chính cho biết, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng trong thời gian dài với mức tương đối cao, lên đến 15%, 20% và 25%.

Do đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5% và giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thép.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP