Bình luận

Bổ nhiệm người nhà: “Bệnh” nặng phải có thuốc đặc trị

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an chia sẻ, tình trạng bổ nhiệm người nhà vào các vị trí lãnh đạo đã tái diễn, kéo dài quá lâu rồi nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Là vì bệnh nặng nhưng chỉ điều trị bằng thuốc bổ, dẫn đến “bệnh đã nhờn thuốc”.

Bổ nhiệm người nhà: “Bệnh” nặng phải có thuốc đặc trị

Nếu làm nghiêm thì đã…

Chuyện bổ nhiệm người nhà vào các chức vụ lãnh đạo quan trọng không còn là hiếm. Thủ tướng Chính phủ cũng đãc có chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đề bạt, bổ nhiệm người nhà. Vì đâu mà câu chuyện “bổ nhiệm người nhà” vẫn cứ dai dẳng như thế thưa ông?

Thực ra đây là một trong một chuỗi những sự kiện đã kéo dài nhiều năm rồi. Chuyện bổ nhiệm người nhà hay người tài cũng được báo chí nói đến cách đây đã chục năm rồi. Trường hợp này không phải là duy nhất. Riêng hai năm 2015-2016 theo tôi đếm trên các phương tiện truyền thông thì có đến hơn chục trường hợp tương tự bị phát hiện rải rác ở các tỉnh trong cả nước.

Vì sao nó vẫn diễn ra? Chỉ đạo của Thủ tướng là rất chuẩn xác, được người dân hoan nghênh, phản ánh đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Nhưng để đưa chỉ đạo vào thực tiễn cuộc sống vốn rất khó.

Tôi cũng đặt câu hỏi là vì sao tình trạng này vẫn diễn ra?

Cán bộ nào cũng được học Nghị quyết Trung ương 4, nhưng ngay cả khi học xong cán bộ vẫn vi phạm là chuyện thường. Là bởi con đường đi từ Nghị quyết đến thực tiễn cuộc sống còn có khoảng cách. Nghị quyết rất đúng, chỉ thị rất hay nhưng không kiên quyết đưa vào cuộc sống, đôn đốc kiểm tra thực hiện thì rất khó đạt được hiệu quả.

Vấn đề là tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng, chỉ thị của lãnh đạo vào cuộc sống ra sao. Nói thẳng là từ trước đến nay ta còn yếu. Nếu chúng ta làm một vài vụ việc thật nghiêm minh, làm đến cùng thì có lẽ đã khác.

Nếu làm quyết liệt thì vấn đề đã không tái diễn mấy chục năm nay?

Những chuyện như một sở có đến 44/46 lãnh đạo hay chuyện cán bộ không làm việc ngày nào vẫn lên chức phó phòng ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ không diễn ra.

Ta cứ làm đến cùng, công khai trên báo chí thì chắc là những việc tương tự sẽ không tái diễn đâu. Nhưng ta chưa xử lý được đến nơi đến chốn. Nói thế thôi chứ thực hiện còn kém.

Để xử lý hiệu quả thì cần cơ quan nào vào cuộc, theo ông?

Giờ cứ để Thanh tra Chính phủ kết hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, cần thì kết hợp với cả Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ xuống địa phương, làm đến cùng, kết luận tại chỗ, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì ai dám tái diễn? Tôi cho rằng mấu chốt là các giải pháp của ta không đủ sức răn đe nên hiệu quả mới thấp.

Nhờn thuốc

Việc chưa có biện pháp xử lý đủ mạnh dẫn đến tình trạng bổ nhiệm người nhà còn tái diễn hẳn là các cán bộ lãnh đạo cũng biết?

Giống như trong y học. Điều trị một bệnh rất nặng, đã nan y rồi nhưng lại chỉ sử dụng thuốc bổ, vitamin thì làm sao mà chữa khỏi được. Trong khi bệnh nặng thì phải dùng thuốc đặc trị chứ. Bệnh nặng mà cho uống vài viên B1 thì làm sao mà khỏi? T

ình trạng bổ nhiệm người nhà có thể coi là đã “nhờn thuốc”, gây nên những bất bình trong người dân, dư luận xã hội nói chung mà giải pháp xử lý không đủ sức răn đe, không tương xứng.

Ai có trách nhiệm trong việc chỉ đạo thì đúng, Nghị quyết rất chuẩn, nhưng thực hiện lại không hiệu quả?

Thì chính là những người thực thi công vụ, có trách nhiệm giải quyết các vụ việc này chứ ai. Làm không nghiêm, không kịp thời, không răn đe.

Cũng có người nói rằng trong bổ nhiệm cán bộ, khó tránh khỏi tình trạng bổ nhiệm người nhà, người quen do tâm lý duy tình của người Việt mình?

Nói như vậy chỉ là ngụy biện thôi, tôi không đồng ý. Khó nhưng không phải là không làm được. Tại sao có nơi thực hiện được, có nơi không? Nếu cán bộ có “bàn tay sạch” thì chẳng có gì là khó cả.

Trường hợp có 2 người cùng trình độ, phải chọn 1 trong 2 để bổ nhiệm thì đương nhiên cán bộ sẽ chọn người nhà, người quen?

Thực ra trường hợp này cán bộ chọn người nhà, người quen cũng là bình thường, dễ hiểu và chấp nhận được. Thậm chí một người 9 điểm nhưng không có quan hệ họ hàng, người còn lại 8 điểm nhưng quen thân, thì vẫn có thể thông cảm được. Chỉ đáng buồn là có những trường hợp, người nhà 3-4 điểm và người ngoài 9-10 điểm mà vẫn chỉ nhận người nhà mà thôi.

Khó “cân” năng lực và phẩm chất

Chọn được người tài thay vì người nhà, phải dựa trên năng lực và phẩm chất cán bộ. Nhưng dường như điều này cũng rất cảm tính?

Cái gọi là năng lực và phẩm chất của một con người rất khó đong đếm. Khoa học hiện đại nhất cũng không “cân” được. Chỉ qua đánh giá chủ quan của cá nhân thôi.

Một cái cây thì đo được nó cao bao nhiêu, to bao nhiêu chứ năng lực phẩm chất thì đó là vấn đề không lượng hóa được, chỉ đánh giá định tính qua chủ thể. Mà đã là con người thì bao giờ cũng phải có tình cảm và lý trí. Cán bộ dùng cái gì để xem xét, thì lại là vấn đề.

Quả đúng là vấn đề hóc búa?

Ở trên giường ngủ dùng tình cảm, trên bàn ăn có thể dùng tình cảm nhưng ở công sở thì phải dùng lý trí. Nếu cán bộ nhầm lẫn những vị trí này thì rất dễ đưa ra những quyết định không chính xác.

Khi ngồi ở công sở mà cũng như ở bàn ăn trong gia đình thì khó lắm. Từ đó mới yêu cầu cán bộ đảng viên phải dùng lý trí để quyết định vấn đề hệ trọng của công việc.

Tôi tưởng là tiêu chí để đánh giá cán bộ là có?

Có nhưng rất chung chung và khó hình dung, cụ thể hóa nó. Ví dụ như trung thành với Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ… là những tiêu chí chung chung. Vì thế mà cán bộ có cơ hội để tình cảm cá nhân đè lên lợi ích của tập thể, của đất nước.

Việc bổ nhiệm người quen, người nhà vào các vị trí lãnh đạo cũng là biểu hiện của việc cán bộ đặt lợi ích cá nhân lên trên. Tôi tin rằng nếu chúng ta làm quyết liệt một vài vụ việc, xử lý đến nơi đến chốn chứ không để “chìm” đi thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng này.

Chẳng cán bộ nào dám bao biện việc bổ nhiệm đó là đúng quy trình hay cần được cảm thông do tâm lý sống của người Việt là duy tình nữa.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về kết quả theo dõi, kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của lãnh đạo tại một số địa phương, đơn vị. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ  tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển tuyển dụng, bổ nhiệm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2017. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tăng cường thanh tra công vụ; kịp thời chấn chỉnh tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý cán bộ; rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức và đề xuất phương án hoàn thiện, khắc phục bất cập trong công tác quản lý cán bộ, công chức thời gian qua, lưu ý những vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của người có chức vụ, quyền hạn.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP