Bình luận

Bổ nhiệm kiểu “vơ vét”

Nói về vụ việc ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam bổ nhiệm gần 100 lãnh đạo trong cùng một ngày trước khi ông Hùng về nghỉ hưu, PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia nhận định, đây rõ ràng là tham nhũng, tiêu cực. Một công ty làm ăn bình thường không thể có sự “trùng hợp” bổ nhiệm đồng loạt cùng lúc như vậy.

PGS.TS Bùi Văn Nhơn

Một miếng ngon

Ngày 19/6/2018, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), đã ký quyết định bổ nhiệm 76 chức danh trưởng, phó phòng, có hiệu lực từ 1/7/2018. Điều này khiến dư luận hoài nghi khi tới ngày 19/7/2018, ông Lê Mạnh Hùng sẽ nghỉ hưu. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, việc Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng ký quyết định bổ nhiệm hơn 100 cán bộ vừa qua là thực hiện theo ý chí tập thể. Ông nghĩ sao về chuyện bổ nhiệm này?

Chuyện bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ hưu không phải là mới. Đã từ lâu, ở nhiều nơi, tình trạng này xảy ra, thậm chí có nơi rất nghiêm trọng. Nhưng chỉ một số ít bị xử lý, đa phần là người ta ngầm hiểu và bỏ qua cho nhau, coi như đó là cái “lệ”. Nếu chỉ bổ nhiệm 5-6 người trước khi nghỉ hưu thì chắc có lẽ sẽ “lọt lưới”, người ta sẽ cho qua. Nhưng bổ nhiệm đến cả gần trăm người như thế thì rõ là không bình thường một chút nào.

Vì sao lại không bình thường ạ?

Nếu là một công ty đang kiện toàn bộ máy do thua lỗ, phá sản, phải sắp xếp lại đội ngũ để phát triển, thì việc bổ nhiệm cùng lúc hàng trăm người có thể chấp nhận được.

Nhưng đây, họ làm ăn bình thường, không gặp trục trặc gì, không có nhu cầu xây dựng mới bộ máy, mà bổ nhiệm một lúc chừng đó người thì đương nhiên là không bình thường rồi.

Có thể gọi tên cái sự không bình thường ấy?

Đó chính là tham nhũng, là tiêu cực trong công tác cán bộ chứ sao nữa. Bấy lâu  nay người ta vẫn ngầm hiểu và ngầm bỏ qua cho nhau chuyện trước khi về nghỉ hưu thì ký bổ nhiệm một vài người.

Dù trên có biết cũng bỏ qua, vì đã thành luật ngầm, tự hiểu với nhau đó là một phần thưởng cho người sắp nghỉ. Chuyện này phổ biến từ cơ quan nhỏ đến cơ quan to. Bấy lâu nay, nó trở thành một khoản ăn, một miếng ngon trong một số cán bộ lãnh đạo. Đây chính là tham nhũng trong tổ chức cán bộ.

Nói thẳng ra thì việc bổ nhiệm ấy là để “kiếm tiền”?

Đúng là như thế. Tâm lý là đằng nào cũng sắp nghỉ rồi, thôi thì bổ nhiệm một loạt để vơ vét thêm được chút nào hay chút ấy. Không chỉ cán bộ cấp tổng giám đốc mà tôi biết ngay cả cấp phòng, có nơi cũng xảy ra hiện tượng ấy. Nó trở thành một hiện tượng phổ biến trong một bộ phận cán bộ. Đó chính là tư duy “tranh thủ” trước khi nghỉ.

Tiêu cực như thế thì thật không ổn?

Nhiều khi chỉ một chữ ký bổ nhiệm cũng có vài trăm triệu hay thậm chí là tiền tỉ. Kiếm tiền đơn giản thế, mà lại hiếm khi phải chịu trách nhiệm gì. Cán bộ được bổ nhiệm có năng lực hay không thì nhiệm kỳ lãnh đạo sau giải quyết.

Mình nghỉ rồi là vô can. Đó là lý do để hiện tượng bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu trở nên phổ biến và là vấn đề nan giải khó giải quyết.

Nếu ai cũng biết đó là vấn đề, thì tôi nghĩ sẽ giải quyết được chứ?

Cái này lại là lỗi hệ thống. Nghĩa là nó không phải là trường hợp cá biệt nào. Nó xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều cấp, trong tâm lý của nhiều người, nên mới khó giải quyết

Bệnh “đúng quy trình”

Theo lý giải của ACV thì việc bổ nhiệm này không phải là quyết định cá nhân, mà là trách nhiệm công vụ thực hiện theo thẩm quyền đã được phân cấp của tổng công ty, nghĩa là không có gì sai?

Đương nhiên người ta sẽ phải làm rất chặt chẽ và đúng quy trình. Nếu coi đây là việc “làm ăn” thì lại càng phải thận trọng và làm đúng quy định như đã thông qua tập thể, được sự thống nhất của tập thể, chủ trương của thường vụ đảng ủy…

Nhưng khổ cái là không chỉ ở trong câu chuyện này, ở đâu cũng thế, khi lãnh đạo đã chủ trương rồi thì gần như là thâu tóm toàn bộ cơ quan rồi. Khi thủ trưởng đã đưa ra ý đồ của mình thì đương nhiên nhân viên sẽ phải theo, phải ủng hộ. Dù lãnh đạo có gần hết nhiệm kỳ thì vẫn phải tuân theo.

Nếu tôi là người được bổ nhiệm trong hoàn cảnh ấy, tôi thấy cũng chẳng vinh dự lắm, ông có nghĩ vậy?

Ô, chính những “đội quân” được bổ nhiệm này sẽ tỏa đi để “làm công tác tư tưởng” cho những người khác chứ. Trước đây ở ĐH Kinh tế Quốc dân có vấn đề về cán bộ, phe phái. Phe của người này “tung quân” để vận động, thuyết phục, hứa hẹn nếu bình bầu cho người của phe họ.

Nhiều người có tâm lý tuân thủ theo mong muốn của lãnh đạo nên việc “đúng quy trình” và là ý chí của cả tập thể thì cũng dễ hiểu.

Nghĩa là không có gì sai ở đây, dù dư luận có đặt nhiều câu hỏi?

Nếu dựa trên các quy định thì có thể họ chẳng sai gì. Thường vụ đã thoogn qua, quy trình làm công khai, lấy ý kiến tập thể, không giấu giếm gì cả… nhưng về bản chất thì ai cũng hiểu đằng sau đó là cái gì.

Luật bất thành văn ở một số người là bổ nhiệm thì có tiền, nên cứ bổ nhiệm nhiều thì vơ vét được lắm. Cựu thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đã từng bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ hưu, cũng là như thế.

Xem ra đây là “thị trường béo bở”?

Bởi vì rất ít vụ việc bị phát hiện và xử lý. Thậm chí ở nhiều nơi, người ta còn bảo họ “ăn tàn bạo”. Tôi có cô cháu họ làm trưởng khoa ở một trường nhỏ nhỏ thôi. Nhà trường làm hồ sơ thủ tục xong hết trình lên trên để bổ nhiệm cô làm hiệu phó.

Nhưng có người rỉ tai cháu bảo, “không đi lên Bộ thì cứ ngồi đấy”. Đúng là cháu tôi không đi, và sau nhiều năm hồ sơ đưa lên, giờ vẫn cứ “ngồi đấy” thật.  Có mấy vụ bổ nhiệm, mua quan bán chức mà bị xử lý giống như vụ Lê Phước Hoài Bảo đâu.

Bổ nhiệm ít hơn, chắc là “lọt lưới”

Ở góc độ một người giảng dạy lâu năm về hành chính công, theo ông thì có khi nào việc bổ nhiệm này là “vô tình trùng hợp” với thời điểm ông tổng giám đốc về nghỉ hưu?

Cực kỳ khó có khả năng này mà tôi nghiêng về nhận định có tiêu cực, tham nhũng trong chuyện bổ nhiệm này. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải làm rõ. Dù họ có làm đúng các quy định thì cũng không có lý do gì để bổ nhiệm cùng lúc cả gần trăm người cả.

Làm rõ như thế nào, trách nhiệm của ai là việc của các cơ quan. Cơ quan hoạt động bình thường thì không có lý do gì lại bổ nhiệm như thế.

Ông đã từng chứng kiến đợt bổ nhiệm nào rầm rộ thế?

Giờ tôi cũng chán chẳng buồn quan tâm đến những chuyện thế sự như thế nữa. Ở đây, nếu họ chỉ bổ nhiệm 5-6 người thì chắc có lẽ là “lọt lưới”. Đây họ bổ nhiệm quá nhiều nên mới gây ra dư luận ì xèo, khiến cho người ta không thể “nhắm mắt làm ngơ” giống như thông lệ vẫn làm với những vụ việc tương tự được.

Liệu có giải pháp nào ngăn chặn được kiểu tham nhũng này?

Cực kỳ khó, bởi nó ăn sâu vào tâm lý, vào sự thỏa hiệp của nhiều cán bộ trong bộ máy. Họ mặc nhiên công nhận nó phải như thế thì rất khó. Chỉ có thể kiểm soát được khi thực thi pháp luật nghiêm, chỗ nào sai là xử lý chỗ đó.

Bất cứ ai sai cũng phải chịu trách nhiệm chứ không có chuyện cho qua vì vụ việc nó nhỏ quá, hay là to quá. Còn các quy định của pháp luật ta đã có hết rồi. Vấn đề là có muốn thực thi hay không mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

Chiều ngày 9/7, ACV đã chủ động thông tin tới báo chí liên quan việc ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV, ký bổ nhiệm cán bộ đồng loạt trước khi chờ nghỉ hưu. Theo đó, ACV xác nhận trong tháng 4 và 6 vừa qua, ACV đã thực hiện bổ nhiệm 104 cán bộ, gồm: bổ nhiệm, điều động các chức vụ tương đương do thay đổi về cơ cấu tổ chức và tên gọi. Việc bổ nhiệm hơn 100 cán bộ nêu trên do nhu cầu kiện toàn tổng thể nhân sự quản lý các cấp của tổng công ty, các chi nhánh cảng hàng không của tổng công ty, được đặt ra từ năm 2015, đặc biệt là sau khi tổng công ty chuyển sang mô hình hoạt động công ty cổ phần từ 1.4.2016.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP