Giáo dục

Bộ GD&ĐT "đang điều chỉnh để quy trình làm sách giáo khoa hoàn thiện hơn"

  • Tác giả : Thiên Ân
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, Bộ đã nhận thấy có nhiều luồng ý kiến của dư luận về chất lượng sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 6.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) chất vấn, Giáo dục kỹ năng, thực hành cho học sinh, sinh viên trong dịch bệnh bị thiếu hoặc xem nhẹ, ngành giáo dục có biện pháp gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nhiều sách giáo khoa thiếu tính thuyết phục, dư luận có ý kiến. Nhiều môn học thiếu giáo viên, do vậy một giáo viên phải dạy nhiều môn học. Ngành giáo dục giải quyết vấn đề này ra sao?

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đặt câu hỏi: Sinh viên ra trường không có việc làm, nguyên nhân có thể do chất lượng giáo dục của các trường đại học. Bên cạnh đó, học sinh lớp 1 học trực tuyến chưa hiệu quả, ngành Giáo dục có cách gì tháo gỡ?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mục tiêu trong đổi mới giáo dục cần tăng cường dạy kỹ năng và thực hành, nhưng dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới việc trang bị kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là những kỹ năng thực hành.

Ngành giáo dục nhận thấy dạy học trực tuyến khó có thể bù đắp so với học trực tiếp. Vì vậy, ngành giáo dục yêu cầu các trường, gia đình phối hợp để tăng cường chất lượng giáo dục. Nếu dịch bệnh còn kéo dài cần có biện pháp tổng thể.

bo-truong-nguyen-kim-son-3.jpg
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh VNE

Thứ nhất, cần củng cố, tăng cường hạ tầng về công nghệ thông tin, trang thiết bị học và dạy học. Thứ hai, các bài giảng trên truyền hình cần tiếp tục. Thứ ba, tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo chương trình học. Thứ tư, quan tâm tới sức khỏe tinh thần của thầy và trò.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Huế, Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, thời gian qua, Bộ cũng nhận thấy có nhiều luồng ý kiến của dư luận về chất lượng sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 6.

Hội đồng chuyên môn làm sách giáo khoa đã tiến hành thảo luận với tác giả và điều chỉnh trước khi sách được in và đến tay học sinh.

Bộ cũng đang điều chỉnh để quy trình làm sách giáo khoa để hoàn thiện hơn.

Về vấn đề dạy học tích hợp, một môn có 3 hợp phần và sắp xếp 3 giáo viên dạy một môn. Đơn vị nào sắp xếp hợp lý thì mọi việc thuận lợi, không sắp xếp phù hợp thì sẽ gặp nhiều vấn đề.

Bộ cũng đã tập huấn cho các trường, đặt vai trò quan trọng vào tay những người quản lý của các trường trong nhiệm vụ phân bổ giáo viên.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nhu cầu nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo và các yếu tố thị trường tác động tới vấn đề này.

Đánh giá việc dự báo nhu cầu thị trường lao động là việc quan trọng các trường đại học cần thực hiện.

Đối với học sinh lớp 1 và 2, Bộ trưởng Sơn khẳng định, các em sẽ chủ yếu học trên truyền hình. Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với đài truyền hình thực hiện nhiều chương trình dạy học trên truyền hình. Sản xuất 166 bài giảng cho lớp 1 và 2.

Mỗi một môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học (theo đài truyền hình thống kê). “Khó có giải pháp nào hoàn hảo, nên chúng ta chọn một giải pháp phù hợp nhất. Dư luận cũng ủng hộ dạy học sinh lớp 1-2 trên truyền hình”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong tình hình tiếp tục học trực tuyến hay là đến lớp cũng đã có lộ trình.

Thiên Ân

BẢN DESKTOP