KINH TẾ

Bộ dựng cơ chế, nhưng muốn đủ người… vượt rào

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Tổng Cục Môi trường vừa chỉ đạo tăng cường, tiến hành hoạt động kiểm tra nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu.

Ngày 18/1, Tổng Cục Môi trường - Bộ TNMT gửi công văn số 315, giục địa phương chỉ đạo các “Sở TNMT tăng cường huy động nhân lực để tiến hành hoạt động kiểm tra nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu”. Trong khi chờ Bộ giục địa phương, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu – gồm cả các doanh nghiệp ngành giấy - đang ngắc ngoải vì thiếu nguyên liệu.

Chờ cán bộ, mất tiền tỷ

Nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy đã gửi kiến nghị về quy định không hợp lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) đang khiến việc sản xuất bị ngưng trệ vì thiếu nguyên liệu. Ngày 07/01/2019, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai gửi công văn tới Hiệp hội Giấy và Bột giấy, đề nghị có ý kiến tháo gỡ khó khăn vấp phải khi thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT (gọi tắt TT08).

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc công ty cho biết, nếu thực hiện đúng quy trình quản lý của TT08, thời gian từ khi đăng ký kiểm tra chất lượng đến khi thông quan hàng hóa nhanh cũng phải mất 21 ngày. Thời gian thông quan chậm dẫn đến số tiền lưu công, lưu bãi, chi phí quá hạn cho 87 container tăng vọt (2 triệu đồng/ngày/container), làm công ty thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng. Đã thế, phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu bị tồn đọng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, khiến công ty có nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, hàng trăm công nhân phải nghỉ việc.

Trước đó, Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến trụ sở tại Bình Dương cũng đã có công văn gửi Bộ TNMT về những vướng mắc trong thực hiện thông tư 08, và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT. Theo quy định của các Thông tư trên, Sở TNMT nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất sẽ kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu.

Phế liệu của doanh nghiệp thông quan ở cảng nào thì cán bộ Sở phải đến cảng đó kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu. Nói cách khác, cán bộ Sở TNMT phải đi các cảng ngoài địa bàn tỉnh (có thể trên cả nước) để kiểm tra là không hợp lý và không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp.

Mặt khác, theo quy định của thông tư trên, việc kiểm tra với phế liệu nhập khẩu là 100% lô hàng tại nơi nhập khẩu, do thế càng dẫn đến chậm tiến độ. Vì có lô hàng lên đến hàng trăm container, tất cả đều phải mở container và xúc bốc toàn bộ hàng hóa ra bên ngoài để giám định. Vì thế càng mất thời gian và gây thiệt hại vô kể đối với doanh nghiệp, do các loại phí nâng hạ đánh vào lô hàng và chỉ riêng tiền công moi hàng ra để kiểm có thể lên 1 triệu đồng/container. Đã thế, không phải cảng nào cũng đáp ứng yêu cầu mở cùng lúc nhiều container.

Ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, với tình trạng không thể thông quan hàng hóa như hiện nay đã có một số doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất như: Công Ty TNHH Xưởng Giấy Chánh Dương; Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam,… Nhà máy của Công ty TNHH Xưởng Giấy Chánh Dương tại Bình Dương phải cho 500/680 lao động ngưng việc vì thiếu nguyên liệu. Nếu tình hình không được cải thiện, sẽ có thêm nhiều nhà máy sản xuất giấy từ giấy phế liệu nhập khẩu phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Đó là nguy cơ đã nhìn thấy.

Sửa quy định, hay…vượt rào ?

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trước tháng 06/2018, việc nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được thực hiện theo Nghị định 38/2015/ND-CP của Chính phủ, Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng, Thông tư 41/2015/TT-BTNMT của Bộ TNMT và QCVN 33/2010/BTNMT. Với các văn bản quản lý này, tình hình nhập khẩu giấy phế liệu của doanh nghiệp ngành giấy diễn ra bình thường, cơ bản không có sai phạm.

Tuy nhiên, khi Tổng cục Hải quan ban hành các công văn: 3738/TCHQ-GSQL ngày 26/06/2018 về quản lý phế liệu nhập khẩu; 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, thì việc nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất các doanh nghiệp ngành giấy thực sự lâm vào khó khăn. Theo đó, việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu bị siết chặt quá mức, làm kéo dài thời gian kiểm tra hàng hóa, tăng chi phí lưu container, không bảo đảm đủ nguyên liệu sản xuất, nhà máy phải hoạt động cầm chừng, không bảo đảm thực hiện đơn hàng với các đối tác,...

Một ước tính của các doanh nghiệp cho thấy, thời gian thông quan giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu hiện đã tăng lên thành từ 17 tới 21 ngày, thậm chí lâu hơn, gấp từ 6 – 7 lần về thời gian so với trước kia. Thời gian kéo dài làm tăng chi phí, đói nguyên liệu, ngành giấy ước tính tổn thất chung đã lên tới khoảng 500 tỷ đồng vì quy định quản lý mới, trong đó có những doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Ngày 15/01/2019, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có công văn 04/2019 CV-VPPA gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu phế liệu giấy làm nguyên liệu sản xuất. Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ TNMT cho kiểm tra thông quan như trước, đồng thời sửa đổi TT08 và Công văn số 5943/BTNMT-TCMT cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - ông Đặng Văn Sơn đề nghị áp dụng kiểm tra xác suất đối với một số doanh nghiệp theo phân luồng của ngành hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đã và đang chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về nhập khẩu phế liệu và bảo vệ môi trường.

Ông Sơn đề xuất Hải quan vẫn tiếp tục quản lý phế liệu nhập khẩu như trước đây. Sở TNMT sẽ thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan tại nhà máy sản xuất của doanh nghiệp. Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành kiểm tra, thanh tra tại các doanh nghiệp về chất lượng lô hàng, về công tác sản xuất và việc tái chế. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng, bao gồm cả biện pháp thu hồi giấy chứng nhận...

Được biết, ngày 18/1, Tổng Cục Môi trường (Bộ TNMT) đã triệu tập các Sở TNMT trao đổi về vấn đề này. KHĐS sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Hiện nay giấy phế thu hồi giữ vai trò quan trọng trong ngành sản xuất giấy nước ta. Nguyên liệu chính để sản xuất bao bì hòm hộp, giấy bao bì là giấy thu hồi chiếm đến 85-90% tỷ lệ nguyên liệu đầu vào, có những loại giấy bao bì chiếm đến 100%. Năm 2018, cả nước đã nhập khẩu trên 2,1 triệu tấn giấy phế liệu làm nguyên liệu.

Nguồn: Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP