Địa ốc

Bình Thuận: Nhiều doanh nghiệp bất động sản vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Sở Xây dựng Bình Thuận vừa ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng chống rửa tiền đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Chưa thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền

Theo Kết luận Thanh tra của Sở Xây dựng Bình Thuận vừa công bố, thời gian vừa qua, thị trường nhà ở và bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực. Môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng kinh doanh BĐS. Thị trường BĐS đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật vẫn thường xuyên xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, cũng như cả thị trường BĐS.

Điển hình là việc tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn theo quy định; hình thức công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh không phù hợp với quy định.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư, sàn môi giới cũng tiến hành quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong dự án BĐS chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, minh bạch, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chính xác…

Kết luận Thanh tra của Sở Xây dựng Bình Thuận cũng cho thấy hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh này chưa hoàn thiện về mặt pháp lý. Mặc dù chủ đầu tư các dự án này không thừa nhận bất kỳ giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS nào và chưa ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị môi giới nào nhưng qua theo dõi tiến độ thực hiện dự án, phản ánh của báo chí, mạng internet và thông tin của Công an tỉnh Bình Thuận về việc chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng BĐS thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí… nên sở Xây dựng đã có công văn chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng BĐS tại các dự án này.

Cụ thể, dù sản phẩm đã bán hết nhưng đơn vị phân phối là Công ty Thắng Lợi chưa thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014; chưa thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ hàng tháng về Sở Xây dựng; chưa thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.

Nhắc tên nhiều doanh nghiệp

Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu Công ty Thắng Lợi phải thực hiện đầy đủ quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ hằng tháng về Sở Xây dựng theo quy định. Công ty Thắng Lợi phải thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013...

Không chỉ thế, sở Xây dựng Bình Thuận còn yêu cầu Công ty Thắng Lợi phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền...

Lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Sở Xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.

"Trường hợp Công ty Thắng Lợi không nghiêm túc triển khai, thực hiện các yêu cầu trên, sở Xây dựng sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước xử lý vi phạm theo quy định pháp luật...", văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nêu rõ.

Ngoài ra, Kết luận Thanh tra của Sở Xây dựng Bình Thuận cũng cho biết, trong quá trình tham gia hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn một số chủ đầu tư sai phạm như:

Các dự án Khu Trung tâm Thương mại Dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát và dự án Khu Thương mại Dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát 2, do Công ty CP Tân Việt Phát làm chủ đầu tư và Công ty TNHH BĐS Danh Khôi là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới, phân phối sản phẩm BĐS.

Dự án Nhà ở Thương mại Aloha Beach Village, do Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Việt Úc làm chủ đầu tư, Công ty CP Địa ốc Thắng Lợi là đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới, phân phối sản phẩm BĐS.

Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP Phan Thiết, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS.

Dự án Khu du lịch vui chơi biệt thự nghỉ dưỡng Royal Ruby Villa Mũi Né, do Công ty CP Huỳnh Gia Huy làm chủ đầu tư và đã ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn và môi giới BĐS với Công ty CP Kinh doanh nhà NoVa.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né, do Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư BĐS Cland và Công ty CP BĐS Khải Hoàn Land là đơn vị môi giới, phân phối.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận yêu cầu các chủ đầu tư và doanh nghiệp môi giới phân phối sản phẩm bất động sản trên cần thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT- NHNN ngày 11/11/2014. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các công ty trên liên hệ với Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) theo quy định của pháp luật.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP