Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, địa phương vừa ghi nhận một bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại. Đó là anh N.D.T. (32 tuổi), ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.
Trước đó, ngày 27/3, bệnh nhân có đau, sưng bộ phận sinh dục và sốt nhẹ. Bệnh nhân đến khám bệnh tại một số bệnh viện ở TP HCM.
Ngày 29/3, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM với triệu chứng khó thở khi nhìn ánh sáng và quạt gió đang mở. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở nặng hơn. Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh dại, tiên lượng nặng, sau đó tử vong.
Qua điều tra dịch tễ, người thân khẳng định anh T. không bị chó cắn hay cào.
Tại nhà bệnh nhân có nuôi 7 con chó. Hằng ngày bệnh nhân đều cho chó ăn và chưa xác định được khả năng có bị cào nhẹ hoặc liếm.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 4 con chó của gia đình bị chết không rõ lý do, 3 con còn lại vẫn sống bình thường.
Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đã điều tra lập danh sách trường hợp tiếp xúc bệnh nhân nghi dại, đồng thời phối hợp giám sát tiếp theo.
Bình Thuận: 4 ca tử vong do bệnh dại vì không tiêm vắc xin - Ảnh minh hoạ |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, trong 3 tháng đầu năm địa phương đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 100% so với cùng kỳ.
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, nguyên nhân chính gây tử vong do bệnh dại chủ yếu là do không chích vắc xin phòng bệnh. 03 ca tử vong tại Bình Thuận cũng vì nguyên nhân này.
Lý do cho việc không đi tiêm ngừa có rất nhiều: Nghĩ chó nhà nuôi khỏe mạnh nên không sao, sợ chi phí chích ngừa tốn kém, hay thấy vết thương nhẹ chỉ trầy xước bên ngoài nên chủ quan,… và rất nhiều nguyên nhân khác nữa.
Dù lí do để trì hoãn, không chích ngừa vắc xin dại của mỗi người là thế nào đi chăng nữa, nhưng hãy luôn nhớ: Tính mạng con người vẫn là điều quan trọng nhất, 100% người bệnh sẽ tử vong sau khi phát bệnh.
Cần tiêm vắc xin phòng dại - Ảnh minh hoạ |
Bệnh không chỉ lây nhiễm thông qua vết cắn của động vật nhiễm bệnh mà còn thông qua sự tiếp xúc giữa nước bọt chứa virus và vết thương hở hay các niêm mạc như mắt, mũi, miệng,… khi động vật liếm/cào.
Thời gian ủ bệnh dại ở người rất khác nhau, có thể khoảng 10 ngày sau khi bị chó cắn đã lên cơn dại và tử vong, nhưng có nhiều trường hợp thời gian ủ bệnh có thể lên đến nhiều năm. Chó cắn với vết thương sâu hoặc ở những vị trí gần khu vực thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ,… thì thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn. Chính vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan.
Sau khi bị chó, mèo, chuột cào cắn, cần rửa sạch bằng các chất tẩy rửa thông thường (xà phòng, nước rửa chén,…) và nước sạch. Sau đó tới ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc và chích ngừa.