Khám phá

Bình Nam Đại tướng quân Phạm Ngô Cầu

Bình Nam Đại

Vạc đồng do Bình Nam Đại tướng quân Phạm Ngô Cầu cho đúc năm 1752.

Được tùy tiện thi hành mọi công việc

Phạm Ngô Cầu dòng dõi Phạm Ngô Thạch, Phạm Ngô Trác, là con trai thứ 8 của Ngô Đăng Lý (sau đổi là Phạm Ngô Lý), là anh cả trong ba anh em con bà vợ thứ tư của Ngô Đăng Lý là Nguyễn Thị Danh (1692 – 1769) người Xuân Hẻo, huyện Tứ Kỳ.

Thuở nhỏ Phạm Ngô Cầu theo văn, năm Nhâm Tuất (1742), thi đỗ tam trường, năm Giáp Tý (1744) thi võ đỗ Tạo sĩ; năm Mậu Thìn (1748) làm Đề lĩnh tứ thành; năm Mậu Dần (1758) làm Trấn thủ Kinh Bắc; năm Canh Thìn (1760) làm trấn thủ Hải Dương -Yên Quảng, có công đánh giặc cướp biển Tàu được trọng thưởng.

Trấn thủ Kinh Bắc Hoàng Phùng Cơ không trị được bọn cướp, Trịnh Sâm cho Phạm Ngô Cầu làm Trấn thủ, tước Tạo Cơ hầu, dẹp yên được bọn cướp trong trấn; tháng 2/1768, ông được Trịnh Sâm cử cầm quân cùng Nguyễn Đình Huấn dẹp Hoàng Công Chất ở Mường Thanh; sau đó được phong làm trấn thủ Sơn Nam, tước Tạo quận công.

Năm Kỷ Sửu, Phạm Ngô Cầu phụ trách việc vận lương đánh dẹp Lê Duy Mật; năm Quý Tỵ (1773) thăng trấn thủ Sơn Tây, năm Giáp Ngọ (1774) phụ trách quân lương để Quận Việp đánh chúa Nguyễn, sau đó được về nghỉ dưỡng nhàn.

Tháng 8/1776, vì Bùi Thế Đạt trấn thủ Phú Xuân tuổi cao sức yếu, Trịnh Sâm bèn triệu về triều, phong Phạm Ngô Cầu làm Bình Nam Đại tướng quân kiêm Trấn thủ Thuận Hóa, Đốc suất các trấn Thuận Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, An Quảng.

Trịnh Sâm cho phép Phạm Ngô Cầu được “tùy tiện” thi hành mọi công việc, để Nguyễn Mậu Dĩnh và Nguyễn Lệnh Tân ở lại giúp việc, Hoàng Đình Thể làm phó tướng, đổi sai binh lính 10 doanh, cơ.

Tin vào bói toán

Lúc này, Nguyễn Nhạc cho quân Tây Sơn đánh chiếm Quảng Nam. Trịnh Sâm ngại dùng binh nơi xa bèn chấp thuận cho Nguyễn Nhạc lĩnh cai quản vùng này. Nguyễn Lệnh Tân lo ngại, đề nghị Phạm Ngô Cầu cảnh giác, nhưng ông không nghe.

Nguyễn Lệnh Tân bèn mật báo với Trịnh Sâm, đề nghị thay Phạm Ngô Cầu trấn thủ Thuận Hóa, nhưng Trịnh Sâm cho ông là người trầm tĩnh cẩn trọng, vẫn tin dùng.

Trong lúc lực lượng Tây Sơn ở phía nam ngày càng lớn mạnh, thì Phạm Ngô Cầu không chú trọng việc phòng thủ, không sắm sửa khí giới, phòng bị lương thực, cho nên quân sĩ và dân chúng đều chán nản khinh thường.

Tháng 5/1786, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ cầm quân đánh Phú Xuân. Biết Phạm Ngô Cầu là người tin vào việc bói toán, Nguyễn Huệ sai thủ hạ người Hoa giả làm thầy bói tới Phú Xuân ra mắt Quận Tạo Phạm Ngô Cầu, khuyên Cầu nên lập đàn giải hạn.

Quận Tạo nghe theo, lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ trong 7 ngày  đêm, bắt quân phục dịch vất vả. Trong khi tướng sĩ phía Trịnh mất cảnh giác thì quân Tây Sơn bắt đầu lên đường ra bắc.

Phạm Ngô Cầu đang cầu cúng ở chùa Thiên Mụ thì tàn quân Trịnh ở Hải Vân chạy về báo tin Hoàng Nghĩa Hồ tử trận. Quận Tạo hoảng sợ, biết mình mắc mưu Tây Sơn, vội lệnh cho quân sĩ về thành chuẩn bị đối phó, nhưng các tướng sĩ vất vả phục dịch nhiều ngày mỏi mệt nên tinh thần chiến đấu suy nhược.

Để ly gián Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể, Nguyễn Huệ theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh, dùng Chỉnh đứng tên nhân danh người quen cũ, viết thư dụ hàng Hoàng Đình Thể, song lại sai người cố ý đưa thư nhầm cho Phạm Ngô Cầu.

Phạm Ngô Cầu đang bối rối và mỏi mệt lại tiếp nhận thư của Nguyễn Hữu Chỉnh gửi Hoàng Đình Thể, bắt đầu nghi ngờ Đình Thể không hết lòng chiến đấu. Bản thân Quận Tạo cũng sinh ý định hàng Tây Sơn bèn dìm bức thư đó không đưa cho Quận Thể…

(còn nữa)

 Nguyễn Trung Thành

BẢN DESKTOP