Địa ốc

Bình Dương: Chính quyền lúng túng, hơn 7.500m2 đất công bị phân lô

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù, UBND thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch khu đất trên là đất công, nhưng trong nhiều năm, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi đã phân lô, bán nền khu đất này.

Chính quyền lúng túng

Khu đất diện tích 7.551,1m2  thuộc thửa đất 1441, tờ bản đồ số 59, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát có nguồn gốc đất công ích nằm xen cài trong ranh dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4- Khu B. Khu đất này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH SX - TM Thiên Phú làm chủ đầu tư từ năm 2002, và phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2006.

Thửa đất này không tiếp giáp đường giao thông do Nhà nước quản lý, Công ty TNHH SX - TM Thiên Phú chưa hoàn thành thủ tục đất đai. Do đó, UBND thị xã Bến Cát đã ban hành Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 05/02/2015 thống kê diện tích 7.551,1m2 vào quỹ đất công ích, giao UBND phường Mỹ Phước quản lý.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận lợi) được làm chủ đầu tư Khu dân cư Mỹ Phước 4 do trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi có trách nhiệm triển khai thực hiện Khu dân cư Mỹ Phước 4 theo ranh quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có phần diện tích đất công ích nêu trên. Sau khi tiếp nhận dự án từ Công ty TNHH SX - TM Thiên Phú, Công ty Thuận Lợi đã rà soát lại hồ sơ và kiến nghị lập thủ tục phần diện tích này.

Tuy nhiên, ngày 02/8/2018, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện Công ty Thuận lợi đã san lấp và đầu tư cơ sở hạ tầng trên diện tích 7.551,1m2 theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Do đó, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định 53/QĐ-XPVPHC ngày 16/12/2016, xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty, do tổ chức thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khi không có giấy phép xây dựng.

Trên cơ sở kiến nghị của công ty, kết quả kiểm tra thực địa, đối chiếu ranh quy hoạch dự án và ý kiến của UBND thị xã Bến Cát, Sở TNMT tỉnh Bình Dương đã có Công văn số 2941/STNMT-CCQLĐĐ ngày 14/6/2019. Nội dung công văn này kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương thu hồi phần diện tích đất công ích này, và giao Công ty Thuận lợi có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Ngày 16/7/2019, UBND tỉnh Bình Dương có Công văn số 3457/UBND-KTN, chấp thuận chủ trương cho Công ty Thuận Lợi được thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ trước khi thực hiện thủ tục giao đất theo quy định. Công văn này do ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương ký.

Tuy nhiên, 10 ngày sau, cũng chính ông Mai Hùng Dũng là người ký quyết định thu hồi văn bản chấp thuận do ông đã ký và ban hành trước đó. Quyết định này nêu, UBND tỉnh Thống nhất kiến nghị của Sở TN-MT về việc thu hồi văn bản ngày 16/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý kiến nghị liên quan đến giao đất công ích tại dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 theo đề xuất của Sở này.

Cũng quyết định thu hồi văn bản của UBND tỉnh Bình Dương còn giao UBND thị xã Bến Cát tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng... (nếu có) theo  quy định của pháp luật tại dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 do Công ty Thuận Lợi làm chủ đầu tư.

Khách hàng chịu thiệt

Trao đổi với báo chí về việc ra hai văn bản chấp thuận và thu hồi trong thời gian rất ngắn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, trước đó UBND thị xã Bến Cát và Sở, ngành có đề xuất đổi đất cho doanh nghiệp. Vì vậy UBND tỉnh Bình Dương ra văn bản có chủ trương nhưng chưa giao đất cho phía Công ty Thuận Lợi. Và phía công ty cũng chưa có đất để đổi cho chính quyền địa phương.

Liên quan đến vụ việc này, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi khẳng định, việc thu hồi đất công ích do cấp xã/phường quản lý bằng phương án bồi thường đất có giá trị tương đương ở một vị trí khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng không quên khẳng định đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm và các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm với địa phương cũng như cộng đồng người dân.

Về việc xây dựng hạ tầng trước khi có quyết định thu hồi, giao lại phần diện tích đất này là trái quy định của pháp luật. Công ty Thuận Lợi nói rằng do quá nôn nóng, chủ quan nên xin được cơ quan chức năng xử lý hành chính đối với vi phạm về lĩnh vực xây dựng này?

Oái oăm là dù cho biết "xin được xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm lĩnh vực xây dựng", nhưng Công ty Thuận Lợi vẫn một mực khẳng định rẳng mình làm đúng, và việc SởTN-MT kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi văn bản chấp thuận chủ trương giao đất cho công ty (do vi phạm xây dựng) là không phù hợp với quy định tại Điều 63, 64 Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất.

Trở lại việc “xẻ thịt” đất công, bán đất nền trái phép, các khách hàng vô tình trở thành khổ chủ. Như trường hợp anh N.V.B. (ngụ Bến Tre) nhận chuyển nhượng phần đất thuộc lô A17, ô số 48, có diện tích 100m2, Công ty Thuận Lợi đã thu tiền mua đất 460 triệu đồng (theo giấy nộp tiền ngày 22-5-2019), 35 triệu đồng phí dịch vụ tư vấn và tiền đặt cọc (theo phiếu thu của văn phòng đại diện Công ty Kim Oanh)...

Đến nay, anh B. đã thanh toán 942 triệu đồng và hoàn tất nghĩa vụ thanh toán với 2 công ty trên. Ngày 6-5-2019, anh B. ký kết hợp đồng thi công xây dựng với Công ty TNHH Xây dựng MV (theo chỉ định của Công ty Thuận Lợi) để tiến hành xây dựng nhà ở trên phần đất nhận chuyển nhượng trên và đã thanh toán 460,5 triệu đồng cho phần công việc đợt 1.

Trường hợp bà T.T.T. (ngụ Thừa Thiên - Huế) nhận chuyển nhượng phần đất thuộc lô A17, ô số 29, có diện tích 100m2 cũng “té ngửa” khi biết mình mua nhầm... đất công. Tại 2 phiếu thu của Công ty Kim Oanh (có bà Đoàn Thị Ái Nhi là thủ quỹ), bà T. đã đóng 100 triệu đồng tiền cọc, 456 triệu đồng (95% giá trị hợp đồng với Công ty Thuận Lợi), 104,5 triệu đồng là tiền chênh lệch thanh toán cho Công ty Kim Oanh và 35 triệu đồng phí dịch vụ tư vấn.

Những khách hàng sẽ ra sao khi mua nhầm phải... đất công, lại còn “dính” xây dựng trái phép, nên có nguy cơ mất tiền và còn mất đất. Thiệt hại quá lớn này của người dân, ai phải đứng ra chịu trách nhiệm?

Hữu Thông

BẢN DESKTOP