Thời gian gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận 50-70 trường hợp khám do bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Viêm da do tiếp xúc do kiến ba khoang nếu xử trí ban đầu không đúng cách sẽ khiến lan rộng vết thương, khiến bệnh nặng thêm.
Nhận biết kiến ba khoang
Kiến ba khoang còn được gọi là kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc, dài khoảng 1cm, có hai màu đỏ và đen. Kiến ba khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh, mình nó có 2 đôi cánh.
Ban ngày, kiến ba khoang bò tương tự như kiến, chúng sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối hoặc dưới tán cây ở các bìa rừng, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, ... Chúng thường xuất hiện và phát triển vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các cơn mưa lớn đầu mùa, rất thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào đèn, vào nhà khi sáng đèn, nhất là các toàn nhà cao tầng, khu nhà cạnh cánh đồng.
Biểu hiện viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Ảnh minh họa |
Biểu hiện viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra có thể nhẹ đến nặng tùy thuộc vào lượng độc chất pederin có trên cơ thể kiến xâm nhập vào da. Vùng da bị viêm thường ở cổ, mặt, lưng hoặc tay, chân,... Các triệu chứng cụ thể bao gồm:
Vùng da bị viêm thường có một vệt đỏ, với nền hơi cộm theo chiều của vết đỏ, có độ dài khoảng 1 - 5cm và chiều rộng khoảng 3 - 10mm. Trên vùng da này có thể xuất hiện mụn nước và phỏng nước ở giữa, và vùng da có thể có hình dạng lõm như một vật hình tròn hoặc bầu dục áp vào, kèm theo cảm giác bỏng rát tại chỗ.
Một số người có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch ở vùng tương ứng với khu vực bị tổn thương.
Nếu chất độc pederin dính vào tay và sau đó tiếp xúc với mắt, có thể gây sưng mí mắt, phỏng mắt, viêm kết mạc, giác mạc hoặc võng mạc,...
Trường hợp tổn thương diện rộng có thể gây sốt, đau dây thần kinh, đau khớp và nôn ói.
Một số người có thể bị tổn thương đối xứng ở cả hai bên cơ thể như bên bẹn.
Các biện pháp xử lý sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang
Dưới đây là một số biện pháp xử lý ngay khi tiếp xúc với kiến ba khoang mà bạn cần biết:
Tránh sử dụng tay trần để bắt, giết hoặc miết kiến ba khoang. Thay vào đó, bạn nên thổi hoặc sử dụng găng tay/tờ giấy để loại bỏ chúng.
Rửa kỹ vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng hoặc bằng nước muối sinh lý. Sau đó, sử dụng thuốc sát trùng nhẹ như povidone iodine để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Không tự ý bôi đắp các liệu pháp tự chế như nhai gạo nếp, đậu xanh, kem đánh răng hoặc các loại lá cây,... Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Nếu vùng tổn thương có mủ nhiều và gây đau đớn, bệnh nhân có thể sử dụng kháng sinh, thuốc kháng histamin tổng hợp, thuốc giảm đau hoặc corticoid bôi toàn thân.
Nếu được điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 5 - 7 ngày. Trong các trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị đặc biệt.
Lưu ý khi phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng
Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người. Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).
Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.
Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài để tránh thu hút kiến ba khoang.
Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.
Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.
Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.
Khi kiến ba khoang rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của kiến dính vào da.
Khi phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang cần nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxit kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.