Dữ liệu y khoa

Biểu hiện hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

  • Tác giả : BSCKII. Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Cấp cứu & Chống độc,
Đã có không ít trẻ, đặc biệt là lứa tuổi sơ sinh bị hạ thân nhiệt khi đến bệnh viện, khiến trẻ đã có bệnh lại càng nặng hơn.

Hỏi: Bé nhà tôi bị bệnh, cả nhà bọc kín bé đưa đến viện khám nhưng được bác sĩ kết luận hạ thân nhiệt. Xin hỏi, biểu hiện trẻ bị hạ thân nhiệt như thế nào? Cách tránh hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh.

Lê Thu Hồng (Hà Nội)

ha-than-nhiet-tre-di-kham.jpg

BSCKII. Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Cấp cứu & Chống độc, bệnh viện Nhi T.Ư: Trong thời tiết giá lạnh như hiện nay ở miền Bắc, trẻ nhỏ dễ bị nhiễm lạnh nếu không được chăm sóc tốt. Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi ra ngoài trời hoặc khi đưa trẻ đến khám tại bệnh viện là vô cùng quan trọng.

Nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các bé sơ sinh. Do không có lượng mỡ cơ thể cần thiết để giữ ấm, nên trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt với các biểu hiện như: da đỏ hoặc nhợt nhạt, lạnh toàn thân, phù cứng bì vùng lưng, chi; Thở nhanh nông giai đoạn đầu, sau thở không đều, ngừng thở; Nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; Trẻ ít cử động, lơ mơ, khóc yếu, bú kém; Có thể kèm hạ đường máu.

Theo các chuyên gia tại Trung tâm Sơ sinh-Bệnh viện Nhi T.Ư, trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt nhất và có nguy cơ tử vong khi ngủ trong phòng lạnh.

Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng nếu nhiệt độ quá ấm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt khi đưa trẻ đi khám trong thời tiết giá lạnh, bố mẹ cần chú ý:

-Nên dùng xe ô tô kín gió, có điều hoà (25-28°C). Cho trẻ mặc quần áo ấm phù hợp. Thường xuyên cho trẻ bú mẹ.

- Nếu trẻ có hạ thân nhiệt (dưới 36°C) hoặc thuộc đối tượng nguy cơ hạ nhiệt độ (sơ sinh, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bệnh nặng), cần có xe vận chuyển cứu thương chuyên dụng có lồng ủ ấm, nhiệt độ trong lồng từ 35-36 °C. Tiếp tục cho trẻ ăn qua ống thông dạ dày để cung cấp đủ năng lượng. Trường hợp trẻ cần duy trì truyền tĩnh mạch, dịch truyền cần được làm ấm trước khi sử dụng.

-Trên đường vận chuyển, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cho trẻ (1giờ/lần), thay quần áo, tã bị ướt...

BSCKII. Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Cấp cứu & Chống độc,

BẢN DESKTOP