Đời sống

Biết để kiểm soát tốt bệnh

Biết để kiểm soát tốt bệnh, đó là chia sẻ của bà Bùi Thị Trọng (75 tuổi). Với bà, tập luyện và không ngừng học hỏi để có hiểu biết về bệnh của mình là cách kiểm soát tốt nhất bệnh tật.

Bà Bùi Thị Trọng.

Sống với nhau quan trọng nhất là cái tình

Phố Trần Quốc Toản (Hà Nội), khi tôi hỏi nhà bà Bùi Thị Trọng, mấy bác ngồi bán hàng gần đấy tận tình chỉ lên tầng ba. Lại dặn dò chỗ để xe rất cẩn thận. Leo một cái cầu thang sắt cheo veo, mãi mới lên một căn phòng sát mái, nơi ở của gia đình bà Trọng.

Bà cứ giải thích mãi, nhà cửa chật chội, khó khăn vì trước đây ông làm sếp trong ngành thương nghiệp, nhưng mà liêm khiết lắm. Được cái hàng xóm ở đây rất tốt, sống cùng nhau hơn 50 năm rồi nên mọi người đều gần gũi, quý mến nhau.

Nhà có công có việc gì, hay ốm đau, chỉ cần ới một tiếng là có người giúp ngay. Có khi nấu bát canh ngon còn bê sang cho. Sống ngay phố lớn, gần trung tâm Hà Nội, vậy nhưng mọi người vẫn giữ được nếp sống cũ, tình cảm gắn bó, quan tâm tới nhau. Chứ không giống một số nơi, nhà cao cửa rộng, giàu có nhưng nhà nào biết nhà nấy.

20 năm làm tổ trưởng dân phố, với bà Trọng, mọi người sống với nhau quan trọng là cái tình. Nhất là với những người hàng xóm, suốt ngày ra vào thấy nhau, có gì thì phải trông nom, nhắc nhở nhau như người một nhà.

Ngay như hôm vừa rồi bà đi xe đạp sang đường thì bị một cậu đi xe máy đâm phải chảy máu chân. Cậu kia cũng bị thương nhưng định bỏ chạy thì bị mọi người giữ lại, chụp cả ảnh để đưa lên mạng.

Nhưng bà phải xin, dù gì thì mình cũng sang đường, với lại cậu ấy còn trẻ và cũng không cố ý. Có gì thì cũng nên bỏ qua cho nhau. Chuyện to sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì.

Vì cách sống có tình như thế mà bao năm nay bà vẫn được mọi người tín nhiệm. Làm tổ trường dân phố thì vất vả. Có những hôm nắng chang chang mà vẫn phải đi họp trên quận, trên phường…

Rồi phải đi từng nhà để thu tiền… Vất vả nhưng mà vui, vì được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Mỗi năm phường lại tổ chức cho đi nghỉ mát.

Tích cực tham gia các CLB

Không chỉ hoạt động xã hội, bà Trọng còn rất tích cực tham gia các CLB chăm sóc sức khỏe. Sau khi nghỉ hưu, bà sinh hoạt tại CLB sức khỏe ngoài trời, sáng nào cũng tập trên Bờ Hồ. Ngay cả khi phải đi trông cháu, bà cũng không bỏ tập.

Rồi tham gia CLB Y học dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được gần 20 năm. Sau khi bị hen bà còn tham gia hội những người bị bệnh hen, 2 tháng sinh hoạt một lần.

Được nghe các giáo sư, bác sĩ nói chuyện, ai có thắc mắc gì thì hỏi nên bà nắm rất rõ về bệnh của mình. Nhờ vậy mà suốt từ năm 2005 đến nay bệnh hen của bà được kiểm soát tốt, không có cơn nào.

Bà Trọng còn có bệnh tim, huyết áp cao, tiền đình và thần kinh tọa, nhưng nhờ những hiểu biết về y học mà bà kiểm soát rất tốt bệnh của mình.

Ví dụ như lúc nào thấy có các triệu chứng tiền đình thì uống thuốc, trước khi ăn hải sản phải xịt thuốc phòng hen, lúc nào đau thì biết xoa bóp, bấm huyệt để hết đau… Vì thế, có người còn tưởng trước đây bà công tác trong ngành y.

Ngay từ khi còn trẻ, nuôi bốn người con bà đã hay đọc sách để biết về các bệnh thông thường. Có lần, cậu con trai khi đó mới được 3 tháng tuổi bị đau bụng, bỏ bú, lại thấy ở hậu môn có ít máu, bà nghĩ con bị lồng ruột.

Đưa vào cấp cứu, may mà kịp. Sau đó, bác sĩ hỏi tại sao lại biết ngay là lồng ruột, thì bà bảo, cũng nhờ đọc sách nên biết những triệu chứng như thế.

Đặc biệt từ khi tham gia CLB Y học dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, được học về diện chẩn, có lớp học nào bà cũng theo.

Một số người học rồi chữa được bệnh cho người khác, nhưng bà học chỉ để biết, để tự chữa bệnh cho chính mình. Thấy ai bị đau, bà hướng dẫn để họ tự xoa bóp, bấm huyệt.

Minh Châu

BẢN DESKTOP