Y học và đời sống

Biến chứng viêm amidan nguy hiểm tính mạng

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Viêm amidan thông thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, không ít trường hợp viêm amidan có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Bảo vệ amidan là bảo vệ cơ quan miễn dịch

Amidan là hạch bạch huyết – nằm ở 2 bên phía sau họng, ở ngay cửa ngõ đường hô hấp và tiêu hóa, gánh vác chức năng phòng hộ quan trọng. Đặc biệt ở thời kỳ nhi đồng, amidan là cơ quan miễn dịch tích cực nhất. Vì vậy, bảo vệ amidan là bảo vệ cơ quan miễn dịch của cơ thể.

Rất nhiều loại vi khuẩn, virus khác nhau tiềm ẩn có thể gây ra viêm amidan, ví dụ như Epstein - Barr virus là một nguyên nhân thường gặp. Virus dễ dàng lây từ người này sang người khác do sự tập trung đông người.

Trong số các loại vi khuẩn hay gây ra viêm họng thì hay gặp nhất là liên cầu nhóm A, người ta thường gọi là viêm họng liên cầu. Trong giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn từ khi nhiễm khuẩn đến khi bệnh toàn phát (thường từ 2-4 ngày, có thể 1-2 ngày).

Khi amidan bị viêm người bệnh thường bị đau họng (có khi rất đau, có thể kéo dài hơn 48h) và có thể kết hợp với khó nuốt. Đau có thể lan lên tai, họng đỏ, amidan sưng và có thể được phủ bởi những chấm trắng. Ngoài ra, có thể sốt cao, sưng hạch dưới hàm và hạch cổ, đau đầu, mất tiếng hoặc thay đổi giọng nói...

Nếu đau họng là do nhiễm virus thì triệu chứng thường nhẹ và liên quan đến cảm cúm thông thường. Nếu viêm họng do virus Coxsackie thì có những mụn phỏng mọc ở amidan và vùng vòm khẩu cái. Những mụn phỏng này sẽ vỡ trong vài ngày thành những vết loét, sẽ rất đau. Nếu viêm họng do nguyên nhân nhiễm liên cầu, amidan thường sưng và bị bao phủ bởi những chấm trắng và họng đau. Bệnh nhân có sốt cao, hơi thở hôi và người rất mệt.

Trong hầu hết trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virus chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol để hạ sốt. Trong một số ít bệnh nhân viêm amidan gây ra do vi khuẩn thì điều trị bằng kháng sinh. Trường hợp dùng kháng sinh trong 2-3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.

Phẫu thuật cắt amidan có thể cần thiết cho những bệnh nhân viêm đi viêm lại nhiều lần hoặc những người viêm amidan nặng không đáp ứng với phác đồ điều trị hoặc ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và công tác.     

Cách phòng bệnh và ngừa biến chứng

Viêm amidan là chứng viêm rất đặc biệt, chủ yếu là do liên cầu tan huyết nhóm A gây ra. Nó thường gây bệnh tại chỗ và biến chứng toàn thân. 

Biến chứng tại chỗ là chứng viêm cấp tính xâm phạm tới các tổ chức lân cận như: Ápxe chung quanh amidan (hốc amidan thường bị tắc nghẽn làm các dịch tiết của amidan không dẫn lưu được ra ngoài, phá hủy vào trong, xâm nhập vào khoang quanh amidan và tụ mủ ápxe ở đó); Ápxe sau họng; Nhiễm trùng thành bên họng và nhiễm trùng vào các cơ quan lân cận như: Viêm họng cấp tính (viêm amdan lan rộng ra xung quanh, gây ra viêm tổ chức lympho họng); Viêm tai giữa cấp tính (viêm amdan lan rộng qua vòi nhĩ vào tai giữa viêm mũi, viêm xoang); Viêm thanh khí phế quản.

Nhiễm trùng  toàn thân: vì cơ thể bị xâm nhập bởi vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn nên gây ra phản ứng như viêm khớp cấp, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu.

Khi viêm amidan tái phát nhiều lần, tạo thành ổ bệnh gây ra biến chứng toàn thân cần:

  • - Luyện tập tăng cường thể chất, tăng cường thêm sức đề kháng của cơ thể .

  • - Phòng ngừa cảm mạo, đặc biệt khi chuyển mùa, khi ở khu vực lưu hành bệnh cúm.

  • - Tích cực điều trị bệnh mạn tính của cơ quan lân cận như viêm họng, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, các bệnh về răng. 

  • PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (nguyên GĐ Bệnh viện Tai Mũi họng TƯ)
Thúy Nga

BẢN DESKTOP