Dữ liệu y khoa

Biến chủng Omicron: Nhiều nguy cơ “thảm họa sức khỏe” nếu các nước mạnh ai nấy làm

  • Tác giả : Thúy Nga
Biến chủng mới có ký hiệu khoa học B 1.1.529, được đặt tên là Omicron đã được WHO chuyển lên cấp độ “biến chủng mới nguy cơ đe dọa sức khỏe công cộng” bởi khả năng gây tái nhiễm còn cao hơn biến chủng Delta.

Theo TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) – chuyên gia về y tế cộng đồng, sự xuất hiện của Omicron là một thách thức lớn cho xây dựng chiến lược phòng chống COVID-19, khi 3 câu hỏi cơ bản dưới đây chưa được trả lời lúc này.

- Thứ nhất, độ mạnh của khả năng gây nhiễm trong cộng đồng (đo lường bằng chỉ số Re) là bao nhiêu, liệu có vượt biến chủng Delta?

- Thứ hai, mức độ diễn biến nặng về mặt lâm sàng ở đối tượng bị nhiễm (đo lường bằng tỷ lệ chết/ mắc) đến đâu, thấp hơn hay cao hơn so với biến chủng Delta? 

- Thứ ba, các văcxin hiện hành có giúp ngăn chặn diễn biến nặng hay giảm được nguy cơ lây nhiễm? 

Phải đợi tối thiểu 2 tuần nữa mới có kết quả nghiên cứu, trong khi diễn biến lây lan đã tăng hàng ngày. Ngoài sự gia tăng nhanh chóng ở Nam Phi, đã có 7 nước khác khẳng định tìm thấy ca nhiễm Omicron, trên 3 châu lục khác nhau. 

bien-chung-moi-1.jpg
Biến chủng Omicron quả rất đáng lo ngại, nếu để xâm nhập vào Việt Nam.

Trước sự nguy hại của biến chủng Omicron, đây là lần thứ hai trong lịch sử của WHO có phiên họp Đại hội đồng đặc biệt để lên phương án đối phó một cách đồng bộ trên toàn cầu. Không loại trừ khả năng sẽ xảy ra nhiều nguy cơ “thảm họa sức khỏe” trên hành tinh này, nếu để tình trạng các nước mạnh ai nấy làm như trong thời gian vừa qua.

Bởi phòng chống đại dịch COVID-19 không thể thành công, nếu còn bất kỳ một quốc gia nào để xảy ra thất bại. Phải có một cam kết mang tính thiết chế toàn cầu, được điều hành bởi cơ quan y tế công cộng quyền lực Liên Hợp Quốc, mới đủ mạnh buộc các nước có cam kết chính trị đảm bảo thực thi các chính sách đúng theo khuyến cáo đưa ra bởi WHO trong phòng chống đại dịch này.

Đấy là một quan điểm đúng và đầy trách nhiệm của WHO trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Theo TS.BS Trần Tuấn, biến chủng Omicron quả rất đáng lo ngại, nếu để xâm nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên, không để lo lắng tới mức sợ hãi, dẫn đến xét nghiệm, cách ly, phong tỏa tràn lan trên diện rộng. Nhưng chủ quan coi nhẹ không có kế hoạch dẫn đường bởi khoa học, sẽ phải trả giá đắt. Đấy là bài học rút ra từ đợt sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 ở nước ta trong thời gian qua.

Vì thế lúc này, chúng ta cần cố gắng theo dõi sát và học tập bước đi của các nước có hệ thống chống dịch bệnh lấy khoa học dẫn đường. Đặc biệt, tuân thủ và thực hiện cho đúng các khuyến cáo của WHO về phòng chống dịch biến thể Omicron.

Khác với thời điểm đương đầu với biến chủng Delta, lúc này, Việt Nam đã phát triển chiến lược tổng thể phòng chống hiệu quả COVID-19 bám sát với khuyến cáo của WHO.

Tại cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới sẽ diễn ra từ ngày 29/11-1/12/2021, Việt Nam cần thể hiện sự đồng thuận thúc đẩy các nước cùng tuân thủ khuyến cáo của WHO, ra được Công ước Quốc tế phòng chống đại dịch COVID-19.

Tin tưởng và hợp tác chặt chẽ với WHO, bám sát và cố gắng làm đúng theo khuyến cáo của WHO thể hiện trong công ước sẽ ra đầu tháng 12/2021, đấy là cách tốt nhất giúp Việt Nam vốn có quyết tâm chính trị rất cao trong phòng chống dịch COVID-19, sẽ có thể đương đầu hiệu quả với biến chủng mới Omicron.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP