Trong nước

Biến chứng đồng nhiễm vi khuẩn, tử vong do sốt xuất huyết

  • Tác giả : Thuý Nga
Có tới 44% số ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết có đồng nhiễm vi khuẩn. Đồng nhiễm vi khuẩn là biến chứng nghiêm trọng trong các trường hợp nhiễm sốt xuất huyết (SXH) nhưng nhiều người chưa biết.

“Các bệnh nhân bị SXH thể nặng hoặc có biểu hiện sốt trên 5 ngày, bệnh nhân cao tuổi, người mắc bệnh nền... có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm vi khuẩn, cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để tránh biến chứng tử vong”, ThS. BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.

Phổi đông đặc sau 7 ngày SXH

Bệnh nhân nữ, 53 tuổi (Đan Phượng, Hà Nội) bị sốt cao, đau đầu và đau mỏi người nhập viện gần nhà với chẩn đoán SXH. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân không được cải thiện mà sốt cao hơn (39 độ), tiểu cầu giảm, đau bụng rất nhiều ở vùng thượng vị.

Bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày thứ 7 của SXH, có tình trạng bội nhiễm. Chụp cắt lớp phổi cho thấy các đám đông đặc rải rác, có nhiều ổ áp xe ở trong phổi... Kết quả cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Methicillin (tụ cầu kháng thuốc).

ThS. BS Trần Văn Bắc cho biết: Các bệnh nhân bị SXH Dengue thể nặng, bệnh nhân SXH có biểu hiện sốt trên 5 ngày có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc (kháng kháng sinh Methicillin) gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc SXH Dengue cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Khảo sát của PV Khoa học và Đời sống cho thấy, SXH là bệnh lý phổ biến, xảy ra quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Hiện chưa đến thời kỳ cao điểm nhưng số ca SXH bắt đầu tăng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10/5 đến 17/5), thành phố ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong; tăng 16 ca so với tuần trước (25/0).

Tại TP HCMtính đến đầu tháng 6/2024, đã có gần 4.000 ca mắc SXH. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7, quận 8, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức.

Ngày 15/4, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) ghi nhận bệnh nhân sinh năm 2009 (Vĩnh Long, Đồng Nai) tử vong do SXH.

Theo đó, ngày 5/4, bệnh nhân sốt cao được người nhà cho uống thuốc, tự điều trị tại nhà. Ngày 8/4, người nhà đưa bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Đến ngày 10/4, bệnh nhân bất tỉnh, được lọc máu và chăm sóc đặc biệt. Ngày 15/4 bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc SXH Dengue nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan nặng, xuất huyết tiêu hóa.

ThS.BS Bắc khuyến cáo, người dân nếu có sốt cấp tính trong mùa dịch SXH nên đi khám và quản lý tại cơ sở y tế, không nên tự truyền dịch tại nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Đồng nhiễm vi khuẩn là một biến chứng tương đối hiếm gặp nhưng nghiêm trọng trong các trường hợp nhiễm SXH . Có tới 44% số ca tử vong liên quan đến SXH Dengue có đồng nhiễm vi khuẩn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đồng nhiễm vi khuẩn, phổi đông đặc

Biến chứng đe dọa tính mạng do điều trị sai cách

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SXH được chia ra 2 nhóm: Nhóm không biến chứng và nhóm biến chứng nặng.

Thể nhẹ: SXH thể nhẹ là khi người bệnh bị nhiễm vi rút Dengue nhưng không bị các biến chứng nặng, có thể tự điều trị như 1 bệnh sốt thường tại nhà. Tuy nhiên, khi người bệnh bị SXH ở thể nhẹ vẫn có khả năng chuyển sang thể nặng do chăm sóc sai cách.

Thể nặng: Bệnh SXH thể nặng do liên quan đến chảy máu hay rò rỉ huyết tương nghiêm trọng, rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể. Có thể hiểu rằng SXH thể nặng là khi tình trạng bệnh trở nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm.

BS.CKI Hồng Văn In, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cảnh báo, khi bị SXH thể nặng, người bệnh nếu không được chăm sóc kỹ sẽ gây ra các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí tử vong. Các biến chứng do SXH gây ra mà người bệnh có thể đối mặt gồm:

Sốc do mất máu hoặc bị thoát huyết tương, tình trạng kéo dài có thể gây ra phù não và các hội chứng về thần kinh dẫn đến hôn mê.

Viêm đường hô hấp, viêm phổi hoặc phù phổi do thoát huyết tương gây ra tình trạng tràn huyết tương đến đường hô hấp.

Xuất huyết não do mất máu và thoát huyết tương dẫn đến việc tụt huyết áp đột ngột.

Suy tim, suy thận: Xuất huyết khiến máu chảy liên tục, tim không đủ tuần hoàn cộng với việc thoát huyết tương khiến màng tim bị tràn dịch ứ đọng. Đồng thời, thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.

Mù đột ngột do bị xuất huyết võng mạc khiến thị lực giảm hoặc gây xuất huyết trong dịch kính mắt khiến người bệnh gần như mù mắt.

Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Với phụ nữ mang thai, khi bị SXH có thể sốt cao, tim thai đập nhanh. Nếu người bệnh chuyển biến bệnh nặng có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến xuất huyết. Nếu như bị SXH trong những tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ đe dọa thai nhi.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cảnh báo, trong quá trình mắc SXH, cơ thể bệnh nhân suy giảm sức đề kháng, ví dụ: bạch cầu giảm xuống thấp dễ dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt là nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Phần lớn các trường hợp tử vong do SXH chủ yếu do tình trạng SXH trở nặng gây giảm tiểu cầu trong máu ngoại biên, nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, tăng tính thấm thành mạch.

Nguyên nhân nhiễm trùng máu là do các vi trùng xâm nhập vào cơ thể, tiết ra chất độc dẫn tới các tình trạng như suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, suy đa tạng,... Nhiễm trùng máu kết hợp cùng SXH có thể khiến cho tình trạng SXH thêm nặng. Người bệnh xuất hiện các biểu hiện như sốt cao liên tục không hạ, lờ đờ, hơi thở yếu, ban đỏ nổi khắp người, tiểu cầu giảm, bạch cầu tăng, men gan tăng cao,...

Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp để thở máy và truyền dịch, đồng thời điều trị nhiễm trùng máu và khống chế SXH. Nếu điều trị chậm trễ, độc tốc gây sốc nhiễm trùng máu và khiến người bệnh tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3,9 tỷ người ở 129 quốc gia có nguy cơ bị nhiễm SXH Dengue, chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Ước tính thế giới có 390 triệu ca SXH Dengue xảy ra hàng năm, 96 triệu ca trong số đó có biểu hiện lâm sàng. Các trường hợp nặng xảy ra ở khoảng 500.000 người mỗi năm, với tỷ lệ tử vong là 10% ở những bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong này có thể giảm xuống dưới 1% nếu được phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm dựa trên các dấu hiệu cảnh báo.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc SXH , 43 người trong đó đã tử vong. So với năm 2022, số mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp).

Bệnh nhân mắc SXH cần chú ý đến các biến chứng tiềm ẩn sau ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6 của bệnh. Các biến chứng như: thoát huyết tương, giảm tiểu cầu, hoặc xuất huyết đe dọa tính mạng có thể xảy ra. Vì vậy, bệnh nhân cần được khám và đánh giá, chẩn đoán SXH trong những ngày đầu, đặc biệt là theo dõi ngày thứ 4 và thứ 6.

Thuý Nga

BẢN DESKTOP