Một chất tìm thấy trong bánh mì có thể cản trở hoặc đảo ngược tác dụng của các thuốc trị ung thư vú.
Bánh mì có thể cản trở, thậm chí là đảo ngược tác dụng của thuốc trị ung thư vú (Ảnh minh họa).
Nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu The Scripps (California – Mỹ) đã phát hiện palbociclib – loại thuốc thế hệ mới được cho là tối ưu nhất để điều trị ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen – có thể bị cản trở hoạt động nếu người dùng ăn nhiều bánh mì và một số sản phẩm ngũ cốc khác.
Một loại thuốc trị ung thư vú khác là letrozole thậm chí còn bị đảo ngược tác dụng bởi chất có trong bánh mì.
Công bố này khiến không ít người giật mình bởi bánh mì được tiêu thụ rất nhiều ở các nước Âu – Mỹ.
Nguyên nhân chính là nhóm chất xenoestrogen được tìm thấy trong bánh mì, các sản phẩm làm từ lúa mạch, bắp và một số ngũ cốc. Không những phá hoại tác dụng của thuốc trị ung thư, xenoestrogen thậm chí còn tạo điều kiện cho khối u phát triển nhanh hơn.
Tiến sĩ Benedikt Warth, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh: chỉ cần một mức phơi nhiễm thấp với xenoestrogen cũng đủ để tác động xấu lên hiệu quả của các thuốc này.
Palbociclib và letrozole vốn là hai loại thuốc phổ biến nhất để điều trị ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen, trong đó palbociclib đang được giới y học xem là lựa chọn tối ưu.
Theo tiến sĩ Benedikt Warth, nghiên cứu này nhằm gợi ý các bác sĩ ung thư xem xét đến việc khuyên bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với lương thực, thực phẩm chứa xenestrogen khi đang điều trị bằng các thuốc này.
Mai Nguyễn (tổng hợp)