Trong nước

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận: Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân

  • Tác giả : Tâm Đức
Theo Bí thư Bình Thuận, nước là tài nguyên, rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân, dự án này là giữ nước cho dân.
Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét trên hơn 600 ha đất rừng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp báo. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An dự và chia sẻ thông tin liên quan dự án này.
Bi thu Tinh uy Binh Thuan: Giu rung cung cho dan, giu nuoc cung cho dan
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: NLĐ)
Nước là tài nguyên, rừng cũng là tài nguyên
Tại buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết, Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích hơn 51 triệu m3. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án hơn 874 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2025.
“Sau khi dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư, tỉnh Bình Thuận thấy có 2 luồng dư luận. Người ủng hộ là dân Bình Thuận vì khát, khô hạn và thiếu nước. Tất nhiên, có một bộ phận quý rừng hơn quý nước nên cho rằng, Bình Thuận phá rừng. Cho nên tại cuộc họp hôm nay, các sở ngành, đơn vị phải thẳng thắn, cởi mở, chân tình, nói rõ với nhau. Nếu có những vấn đề không trả lời kịp, chưa có thông tin thì sẽ trả lời sau bằng văn bản, không có né tránh”, ông Dương Văn An yêu cầu.
Người đứng đầu tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn với lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước. Tình trạng khô hạn dẫn đến nhiều vùng đất bị hoang hóa, sản xuất nông nghiệp khó khăn, hiệu quả thấp; không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng thiếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
Nhiều năm qua, Bình Thuận đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng hệ thống công trình thủy lợi với tổng dung tích thiết kế hơn 362 triệu m3. Tuy nhiên với nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất dự báo đến năm 2030 lên đến hơn 1.169 triệu m3/năm, tổng dung tích thiết kế của các hồ nêu trên chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.
Mặt khác, các hồ thủy lợi lớn của tỉnh chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc; khu vực phía Nam của tỉnh chỉ có những hồ chứa nhỏ, nên nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất thiếu trầm trọng, một số khu vực phải ngưng sản xuất nông nghiệp có thời hạn. Nhu cầu đầu tư hệ thống hồ chứa nước để giữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân cần được ưu tiên. Hồ Ka Pét là một trong những dự án thủy lợi được người dân trong tỉnh mong đợi từ nhiều năm qua.
Bi thu Tinh uy Binh Thuan: Giu rung cung cho dan, giu nuoc cung cho dan-Hinh-2
Phối cảnh hồ Ka Pét.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói thêm, mới đây có đoàn đi khảo sát, nhưng đi vào mùa mưa chỉ mới thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân. Nếu đi thêm vào vào mùa khô sẽ hiểu được nỗi khổ của người dân như thế nào.
"Tôi nhớ VTV có các phóng sự về khô hạn ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, trong đó có Bình Thuận. Đồng khô, cỏ cháy, ruộng đồng nứt nẻ, ngay cả cừu, trâu, bò cũng chết. Phải nói làm lãnh đạo ở địa phương không lo được cho dân thì cũng là tội lỗi. Nước là tài nguyên, rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân, dự án này là giữ nước cho dân, tăng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Chỉ nói một chiều về rừng thì bao nhiều người dân, cây trồng chịu cảnh khô hạn. Nên tôi muốn mọi nhận định, ý kiến cần đặt vào vị trí của người dân", ông Dương Văn An nói.
Theo Bí thư Bình Thuận, rừng có thể tái tạo được dù rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên. Còn nước thì mình không tự làm ra được. “Ai cũng biết, mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao”, ông An nói.
Người đứng đầu tỉnh Bình Thuận khẳng định, dự án nào cũng có tích cực và hạn chế, nhưng xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn. Khoảng 619 ha rừng sẽ trở thành hồ thủy lợi, nhưng đổi lại sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho hơn 7.760 ha đất nông nghiệp, gấp 13 lần diện tích rừng bị mất và nước sinh hoạt tới 120.000 dân huyện Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết.
Ngoài ra, dự án còn cấp nước cho các hồ ở hạ du, gián tiếp tưới nước cho hơn 6.200 ha, cung cấp 2,63 triệu m3 nước mỗi năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Dự án cũng phòng, chống lũ, lụt, cải tạo môi trường sinh thái cho một số vùng hạ du của tỉnh.
“Mất rừng ai cũng tiếc, nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Do vậy quá trình đề xuất thay đổi chủ trương đầu tư năm 2023, tỉnh đã cố gắng giảm diện tích rừng đặc dụng xuống thấp nhất, từ hơn 162,7 ha xuống còn khoảng 137 ha”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói.
Nhấn mạnh dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ nước cho dân. Nước tăng độ ẩm cho hệ sinh thái, tăng lượng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, dự án được đánh giá, khảo sát, nghiên cứu kỹ về tác động môi trường rất kỹ và cẩn thận.
"Làm lãnh đạo nếu ngại va chạm dư luận xã hội, gió chiều nào theo chiều ấy, đẽo cày gữa đường thì dễ quá. Tôi nhớ lời Bác Hồ nói, việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng quyết tâm làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng cố sức tránh. Làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học...", ông An nói.
Đồng thời chia sẻ, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí. “Nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh xác định, việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ", Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu.
Chỉ chiếm 0,15% rừng tự nhiên hiện có của Bình Thuận
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận Lê Thanh Sơn cho biết, hiện Bình Thuận có diện tích rừng tự nhiên 360.000 ha, do đó, 600 ha rừng dành để làm dự hồ chứa nước Ka Pét chỉ chiếm 0,15%.
Theo ông Sơn, diện tích rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 rừng đặc chủng (do Ban quản lý khu bảo tồn thiên niên Núi Ông quản lý) cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn với tổng thể chung. “Tôi mạnh dạn ví von một bông hoa hồng rất đẹp khi rơi một cánh thì hoa hồng vẫn rất đẹp", ông Sơn nói.
Nói về điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án, đại diện Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết, kết quả sơ bộ, trong tổng số 679,72 ha đất rừng có 619,58 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 612,48 ha và rừng trồng 7,1 ha) và 60,14 ha đất không có rừng. Phân theo mục đích sử dụng có 149,9 ha rừng đặc dụng, 0,86ha rừng phòng hộ, 440,4ha rừng sản xuất và 40,72ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Trong số 612,48ha (chiếm 90,11%) có trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL giàu là 12,22 ha (chiếm 1,80%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL trung bình là 120,25 ha (chiếm 17,69%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo là 43,04 ha (chiếm 6,33%), trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 436,11 ha (chiếm 64,16%) và trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 0,86 ha (chiếm 0,13%).
Ông Phan Thanh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho dự án ngày 28/6.
Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận đã lập dự án đầu tư, trình cơ quan có thẩm quyền là Bộ NN&PTNT xem xét; đồng thời lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đang hoàn thiện để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Bi thu Tinh uy Binh Thuan: Giu rung cung cho dan, giu nuoc cung cho dan-Hinh-3
Quang cảnh buổi họp báo.
Đây là điều kiện đủ về mặt thủ tục để địa phương triển khai các bước tiếp theo như thuê đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế tận dụng lâm sản, đo đạc từng cây, xác định trữ lượng gỗ cần phải khai thác…Sau đó tỉnh Bình Thuận sẽ lập phương án khai thác, đấu giá, lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng. Dự kiến đến quý II/2024, dự án mới có thể khởi công; hoàn thành đưa vào sử dụng trong một năm rưỡi để cấp nước cho dân.
“Phải rất nỗ lực, UBND tỉnh Bình Thuận mới có thể hoàn thành dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội vào năm 2025. Trong đó, thủ tục là tốn nhiều thời gian nhất. Dự kiến đến Quý II/2024, Dự án mới có thể khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong một năm rưỡi để cấp nước cho dân”, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư nói.
Về vị trí xây hồ chứa nước Ka Pét, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật giải thích lý do chọn vị trí xây dựng hồ Ka Pét tại rừng Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) là do có khoảng diện tích “bụng” chứa nước mùa mưa (lòng hồ) phù hợp.
Ban đầu có 2 phương án lựa chọn, đều xây dựng trên sông Bà Bích. Sau khi nghiên cứu, cơ quan chức năng chọn phương án xây hồ Ka Pét tại vị trí hiện tại và được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Vị trí này phù hợp vì hợp lưu 2 nhánh sông, suối tạo thành lòng hồ Ka Pét. Lòng sông hẹp, tạo điều kiện thuận lợi ngăn sông. Qua phân tích, vị trí hồ Ka Pét hiện tại thuận cả về kinh tế và kỹ thuật.
Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật cũng khẳng định, vị trí hiện tại đã được Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng đây là việc bất khả kháng vì lợi ích chung cho người dân.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư ngày 24/6/2023. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3 cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỉ đồng, gồm ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Mục tiêu của dự án còn phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết.

>>> Mời độc giả xem thêm video Kỳ lạ rừng cây có thể “nhảy múa” theo ánh hoàng hôn

Tâm Đức

BẢN DESKTOP