Y học và đời sống

Bị sứa cắn, bé gái dị ứng ngất xỉu: Sứa biển độc như thế nào?

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu kịp thời bé gái 7 tuổi tắm biển bị sứa đốt gây nổi mẩn ngứa, tím tái, cánh tay sưng nề, mất ý thức.

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt có biểu hiện như ớn lạnh, khó thở, buồn nôn, nổi ban đỏ, phù mắt... cần đưa đến viện ngay để tránh tử vong.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sứa biển có các xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất gây dị ứng và gây độc, vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da, và xâm nhập vào cơ thể.

Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Ở thể nặng có thể khiến người chạm phải đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt,… có thể dẫn đến ngưng thở, hôn mê và tử vong.

Xử lý đúng cách khi bị sứa cắn

Theo các bác sĩ, khi bị sứa cắn đưa ngay người bị sứa đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa.

Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch.

Hạn chế chạm tay vào vết đốt tránh gây nhiễm trùng lan rộng vết thương.

Rửa vết đốt bằng giấm hay nước biển để làm sạch các chất độc. Có thể dùng ammoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt. Chườm mát các vị trí tổn thương. Không sử dụng nước ngọt để rửa do sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa...

Theo dõi người bị đốt nếu có những biểu hiện nặng như đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, phù mặt, nôn ói, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… thì phải chở ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.

Phòng ngừa bị sứa đốt

Trong mùa hè khi đi du lịch biển, các gia đình nên phòng sẵn một số thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc chữa tiêu chảy và một chai dấm để chủ động xử lý khi bị sứa đốt.

Trước khi xuống tắm biển cần tìm hiểu thêm thông tin từ người dân địa phương để biết những vùng biển nào có nhiều sứa thì nên hạn chế xuống tắm. Khi quan sát thấy sứa biển, tuyệt đối không xuống tắm để tránh bị sứa tấn công.

Một vài con sứa có thể trôi dạt vào bờ biển. Do chúng có hình dạng và màu sắc đẹp nên dễ gây hiếu kỳ cho người xung quanh. Chúng ta cần nhớ rằng khả năng tiêm chất độc của sứa vẫn còn ngay cả khi chúng đã chết. Vì vậy không chạm tay hay dẫm đạp lên xác những con sứa này để tránh bị dính chất độc vào da.

Nếu xuống tắm biển mà cơ thể bị ngứa, cần lên bờ để kiểm tra xem có phải sứa đốt không để sơ cứu kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có.

Thu Giang (T/H)

BẢN DESKTOP