Dọc đường

Bí mật tượng Phật Di Lặc (kỳ cuối): Giả thuyết chấn động về Di Lặc béo

Gần 20 năm nghiên cứu về  biểu tượng Phật Di Lặc, PGS. TS Đinh Hồng Hải, TS. Trần Hậu Yên Thế đã phát hiện ra những “mật mã” có thể gây bất ngờ đối với cộng đồng Phật tử.

Biểu tượng Kubera một vị thần tài của Ấn Độ (ảnh Đinh Hồng Hải)

Bí ẩn Di Lặc béo

Trong các bài viết trước, báo Khoa học & Đời sống đã đề cập đến biểu tượng Di Lặc được sử dụng trong Phật giáo. Tuy nhiên, ngoài các nghiên cứu hiện trạng Di Lặc béo (Di Lặc Bố Đại hòa thượng, Di Lặc Khiết Thử) thì từ trước đến nay, rất ít công trình nghiên cứu nào đi tìm nguồn gốc của nhân vật tôn giáo này.

PGS. TS Đinh Hồng Hải, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Từ trước tới nay đã có khá nhiều nghiên cứu đề cập đến sự phát triển của biểu tượng Di Lặc Bố Đại Hòa thượng hay Di Lặc béo. Tuy nhiên, có một vấn đề hết sức quan trọng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức, đó là nguồn gốc của biểu tượng này. Vì sao biểu tượng Di Lặc (Maitreya) trong Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào văn hóa Trung Hoa lại biến thành Di Lặc Bố Đại hòa thượng? Vì sao biểu tượng Maitreya vốn “nghiêm nghị” trong văn hóa Ấn Độ lại biến thành “Phật cười” trong văn hóa Trung Hoa?…

Trong một số nghiên cứu trước đây, ông cho rằng đây là một sự dung hợp văn hóa giữa Phật giáo với văn hóa bản địa của người Trung Hoa, đặc biệt là sự ảnh hưởng của các vị tài thần và phúc thần Trung Hoa (với các đặc tính: Béo, hói đầu, bụng to). Mặc dù vậy, sự biến đổi từ biểu tượng Maitreya trong văn hóa Ấn Độ thành Di Lặc Bố Đại hòa thượng trong văn hóa Trung Hoa dường như vẫn chưa có cơ hội được làm rõ. Nói cách khác, nguyên mẫu Di Lặc Bố Đại hòa thượng bắt nguồn từ đâu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp ngoài cái tên (Maitreya/Di Lặc/Di Lặc Phật) được “bê y nguyên” từ Phật giáo Ấn Độ qua Phật giáo Trung Hoa và gán cho Di Lặc Bố Đại hòa thượng”.

 Bí mật tượng Phật Di Lặc (kỳ cuối): Giả thuyết chấn động về Di Lặc béo ảnh 2Tượng Di Lặc Khiết Thử ra đời muộn hơn và giống hệt tượng Kubera của Ấn Độ (ảnh Đinh Hồng Hải)

Tượng thần tài của Ấn Độ cũng có nhiều biến thể khác nhau (ảnh Đinh Hồng Hải)

Di Lặc giống với vị thần tài của Ấn Độ

Trong công trình chưa được công bố chính thức bằng tiếng Việt, PGS. TS Đinh Hồng Hải đã đưa ra những giải thuyết để có thể đi đến cái nhìn tổng quát về nguồn gốc và sự hình thành nhân vật tôn giáo Di Lặc Bố Đại hòa thượng.

Điều đầu tiên mà PGS. TS Đinh Hồng Hải phát hiện ra, đó chính là mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ thần tài với tín ngưỡng thờ thần tài Kubera cổ xưa trong văn hóa Ấn Độ. Kubera là một vị thần tài đã tồn tại trong văn hóa Ấn Độ từ trước khi Phật giáo ra đời ở quốc gia này. Việc nhận diện Kubera khá dễ dàng với hình thức của một nam thần cởi trần, bụng phệ, thường được tạo tác ở dáng ngồi bệt, tay trái cầm con chồn báu (mongoose) tượng trưng cho châu báu, tay phải cầm vật báu hình quả lựu (pomegranate) tượng trưng cho ngũ cốc (đôi khi hình quả lựu này được thay bằng một túi tiền). Biểu tượng này từng xuất hiện một cách mơ hồ trong văn hóa Trung Hoa với một cái tên dân gian là Phát Tài Phật (Buddha for wealth – 發財佛). Dễ dàng nhận thấy, hình thức biểu hiện “béo tốt bụng phệ” ở đây chính là nguyên mẫu của Kubera mà không phải là Maitreya (Di Lặc) với dáng thanh mảnh và nghiêm nghị trong Phật giáo.

Một biến thể khác của Kubera – một vị thần tài của Ấn Độ (ảnh Đinh Hồng Hải)

PGS. TS Đinh Hồng Hải cho biết: “Tìm hiểu các biểu tượng Phật cười/ Di Lặc Bố Đại hòa thượng xuất hiện đầu tiên ở Trung Hoa, chúng tôi phát hiện ra một điều hết sức thú vị là tại nơi ra đời của biểu tượng này (chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, Trung Quốc) cùng tồn tại biểu tượng Di Lặc Bố Đại hòa thượng và Kubera (được gọi bằng một cái tên Trung Hoa là Tì Sa Môn Thiên vương -毘沙門天王). Đem so sánh với một số biểu tượng Kubera khác, chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều pho tượng Kubera có hình thức biểu hiện giống với hình thức biểu hiện của Di Lặc Bố Đại hòa thượng Trung Hoa. Rất có thể người Trung Hoa xưa đã “lắp ghép” hình thức biểu hiện của Thần Tài Kubera với cái tên Di Lặc/ Maitreya để hình thành nên một biểu tượng Di Lặc mới trong Phật giáo Trung Hoa, đó là Di Lặc Bố Đại hòa thượng. Nếu giả thuyết này được kiểm chứng thì đây sẽ là một phát hiện vô cùng thú vị về sự sao chép điêu luyện các thành tố văn hóa Ấn Độ cổ đại của người Trung Hoa xưa”.

Đặc biệt, khi du nhập vào Việt Nam, biểu tượng Di Lặc Bố Đại hòa thượng lại trải qua một quá trình dân gian hóa và trở thành một vị Di Lặc – Thần Tài (báo Khoa học & Đời sống sẽ phân tích ở kỳ sau). Sự phát triển này vô tình đã đưa biểu tượng Di Lặc Bố Đại hòa thượng trở về đúng nguyên mẫu cổ xưa là tín ngưỡng thờ thần Kubera trong văn hóa Ấn Độ.

Theo PGS. TS Đinh Hồng Hải: Xét về hình thức biểu hiện thì biểu tượng Di Lặc Bố Đại hòa thượng có một sự chuyển đổi “quay vòng” từ Kubera, một vị thần tài trong văn hóa Ấn Độ, biến thành Phật cười trong văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam. Tiếp theo, từ biểu tượng Phật cười trong văn hóa Việt Nam, biểu tượng này lại “biến” thành Di Lặc – Thần Tài, một vị thần tài mới trong xã hội Việt Nam đương đại. Sự lặp lại các đặc điểm béo, hói, bụng to, tay cầm báu vật được lặp lại y nguyên từ văn hóa Ấn Độ qua văn hóa Việt Nam thông qua Di Lặc Bố Đại hòa thượng của Trung Hoa. Còn những khác biệt chủ yếu chỉ là các mô – típ trong trang phục và hình thức của các báu vật trên tay các vị thần. Trong khi biểu hiện của vị thần béo tốt này trong văn hóa Trung Hoa là Di Lặc Bố Đại hòa thượng (một biểu tượng Phật giáo) thì trong văn hóa Ấn Độ và Việt Nam nó lại là đại diện cho một vị thần dân gian –  thần tài.

Quách Dương

Từ Khoá

BẢN DESKTOP