Dinh dưỡng

Bị gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Gan nhiễm mỡ là tình trạng gan lưu trữ quá nhiều chất béo, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan gây nhiều biến chứng.

Bên cạnh các phương pháp điều trị khác, việc thay đổi lối sống nhằm tăng cường hoạt động thể chất và xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.

Bị gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?. Ảnh minh họa

Bị gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?. Ảnh minh họa

Người bị gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn các loại thực phẩm có chứa các chất tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy bệnh tiến triển hoặc gây khởi phát biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan.

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh gan nhiễm mỡ cần kiêng các loại thực phẩm sau đây:

Các loại bánh ngọt

Tiêu thụ nhiều bánh ngọt sẽ gây tăng đường huyết do chúng có chứa nhiều chất bột đường hấp thu nhanh. Lượng chất bột đường dư thừa này sẽ được chuyển hóa thành các axit béo tự do, làm tăng tích tụ mỡ tại gan và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Vì vậy, tránh ăn nhiều thực phẩm chứa đường như các loại bánh ngọt có thể góp phần kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ, đồng thời ngăn chặn tình trạng thừa cân.

Rượu, bia, đồ uống có cồn

Khi uống bia, rượu và các đồ uống có cồn thì gan sẽ chuyển hóa cồn (ethanol) thành hợp chất acetaldehyde. Đây là hợp chất có tác động gây ức chế quá trình chuyển hóa chất béo tại gan do giảm quá trình oxy hóa axit béo ở gan và giảm sản xuất lipoprotein. Khi đó, thải trừ chất béo từ gan giảm sẽ có thể làm nặng thêm tình trạng gan nhiễm mỡ.

Thực phẩm chứa nhiều muối

Bên cạnh đường và chất béo thì cũng thực phẩm chứa nhiều muối cũng chưa bao giờ là đối tượng dễ dàng để gan “xử lý”. Vì vậy, để cải thiện bệnh về gan hoặc ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ thì bạn nên cắt giảm lượng muối ăn hàng ngày.

Hơn nữa, thói quen ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến vấn đề giữ nước trong cơ thể. Do đó, bạn nên hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp hoặc các món được chế biến sẵn giàu natri. Đồng thời, cần tránh những món ăn vặt vị mặn, khoai tây chiên, bánh quy mặn, phô mai đã qua chế biến… Vì chúng rất giàu chất béo bão hòa và muối nên tiêu thụ quá mức sẽ gây béo phì và gan nhiễm mỡ.

Đồ uống có gas

Nước ngọt và đồ uống có gas là sự kết hợp giữa đường và carbohydrate tinh chế cực kỳ có hại cho sức khỏe của lá gan. Hơn nữa, thói quen tiêu thụ loại đồ uống này thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ béo phì. Từ đó ảnh hưởng đến gan và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.

Đối với cơ thể thì gan là bộ phận rất quan trọng, giữ vai trò chuyển hóa thức ăn thô thành chất dinh dưỡng và đào thải chất độc ra ngoài. Đó là lý do mà bạn cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe lá gan thông qua chế độ dinh dưỡng. Một chế độ ăn lành mạnh chính là chìa khóa giúp bạn khỏe mạnh lâu dài.

Nội tạng và da động vật

Gan nhiễm mỡ kiêng gì để giảm chỉ số mỡ, chắc chắn phải kể đến da và nội tạng động vật. Nhóm thực phẩm này có chứa hàm lượng lớn cholesterol, không tốt cho người bị gan nhiễm mỡ. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ nhóm thức ăn này để giảm lượng mỡ thừa, phòng ngừa các bệnh lý khác như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, béo phì…

Thực phẩm làm từ bột mỳ trắng

Nhóm thực phẩm làm từ bột mỳ trắng như pizza, bánh quy, mỳ ống (pasta) và bánh mỳ (bread) thường không có lợi cho sức khỏe vì chúng thiếu khoáng chất, chất xơ và các vitamin cần thiết. Hơn nữa, bột mỳ trắng thực chất là một trong những loại ngũ cốc tinh chế.

Khi đưa vào cơ thể, hàm lượng đường được chuyển hóa từ loại ngũ cốc này rất khó “xử lý” và cuối cùng chuyển hóa thành chất béo tích tụ trong gan. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.

Hạn chế ăn nhiều hoa quả chứa hàm lượng đường cao

Hàm lượng đường chủ yếu trong hoa quả là đường fructose và đường sucrose. Trong đó, đường fructose thường chiếm từ 5 – 8% và đường sucrose chiếm từ 6 – 11.8% về khối lượng trong các loại trái cây tươi. Theo nghiên cứu, tiêu thụ đường fructose và sucrose, dù với một lượng nhỏ, cũng làm gia tăng gấp đôi tình trạng tích tụ mỡ tại gan so với việc tiêu thụ đường glucose sau 7 tuần.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một chế độ ăn uống chỉ nên tiêu thụ 25g đường mỗi ngày.

Đồ ăn đóng hộp

Người bệnh gan nhiễm mỡ nên tránh ăn thực phẩm đóng hộp vì chúng thường chứa nhiều chất bảo quản, chất điều vị, chất béo bão hòa, cholesterol, muối và đường,… có thể gây hại cho gan.

Chất bảo quản và chất điều vị: Làm tăng áp lực chuyển hóa lên gan trong quá trình giải độc, ảnh hưởng đến chức năng gan.

Đường: Làm tăng đường huyết và kích thích gan tích trữ mỡ.

Chất béo bão hòa và cholesterol: Làm tăng tình trạng kháng insulin, tăng các phản ứng viêm gây tổn thương gan và ngăn chặn gan “đốt cháy” chất béo dư thừa;

Hạn chế thực phẩm đóng hộp giúp giảm áp lực lên gan, hỗ trợ cải thiện chức năng gan và phòng ngừa các biến chứng liên quan. Thay vì ăn thực phẩm đóng hộp, người bệnh nên ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống, chế biến tại nhà để kiểm soát chất lượng và hạn chế các hóa chất có hại.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP