Y học và đời sống

Bị chó nhà cắn, bé gái 4 tuổi tử vong: Bệnh dại nguy hiểm sao?

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã có báo cáo về trường hợp một cháu bé 4 tuổi tử vong do bệnh dại và 10 trường hợp phơi nhiễm được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 10/11, cháu bé 4 tuổi ở làng Thung, xã Ia Kly, huyện Chư Prông đã bị con chó mới được gia đình nuôi dưỡng cắn vào tay. Sau khi bị chó cắn, gia đình không đưa cháu bé đến các cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin dại. Ba ngày sau, cháu bé tiếp tục bị con chó trên cắn vào đầu gây xước da.

Ngoài cháu bé, con chó trên cũng cắn 10 người khác trong nhà và hàng xóm. Tất cả những người bị cắn đều không khai báo y tế, tự xử lý vết thương. Sau 24 ngày bị chó nhà cắn, cháu bé có các triệu chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nôn ói khan, co giật nên gia đình đưa đến bệnh viện rồi tử vong sau đó.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị mắc bệnh dại lên cơn. Sau khi nắm bắt vụ việc, cơ quan chức năng của huyện Chư Prông đã thống kê các trường hợp bị chó cắn và những người tiếp xúc gần với ca bệnh để có hướng điều trị. Qua đó, lập danh sách 10 trường hợp phơi nhiễm cao để đi tiêm phòng vắc-xin bệnh dại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vì sao bệnh dại không chữa được?

Theo các chuyên gia về y tế, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh dại, vì vậy khi virus dại tấn công lên thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong lên tới 100%. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có hơn 59.000 người chết mỗi năm do bệnh dại, nguyên nhân chủ yếu là do chó cắn.

Do đó, cách phòng ngừa dại hiệu quả nhất là tiêm phòng ngừa dại cho động vật nuôi, và tiêm vaccine ngừa dại ở người. Khi bị chó mèo cắn, cần rửa vết thương ngay bằng xà phòng và nước. Đó là cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh dại càng sớm càng tốt. Tốt nhất là trước 24 giờ sau khi bị cắn, vì tiêm càng muộn thì hiệu quả càng giảm.

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nếu không được tiêm vaccine phòng ngừa. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh dại, do đó mỗi người cần chủ động phòng ngừa căn bệnh này và tìm hiểu các kiến thức liên quan để có thể dùng khi cần đến.

Cách ngăn chặn bệnh dại tránh tử vong

Cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh dại là khi bị chó, mèo hoặc vật nuôi cắn cần làm sạch vết thương và thực hiện tiêm phòng ngay lập tức theo các bước sau:

Rửa ngay vết thương cần với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự (nếu có).

Đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để thăm khám tình trạng và điều trị càng sớm càng tốt.

Đối với vết cắn của động vật, tuyệt đối chú ý:

Không để các chất kích thích như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm dây vào vết thương.

Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, tránh khâu vết thương vì có thể khiến virus dại xâm nhập dễ dàng hơn.

Giang Thu (Tổng hợp)

BẢN DESKTOP