Dọc đường

Bí ẩn người Đàng Hạ

Sơn Đừng là một ngôi làng nằm sâu trong vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa. Ở đó có một tộc người mang tên Đàng Hạ, gần như họ ẩn cư đã mấy trăm năm tại nơi được gọi là sơn cùng thủy tận này.

Làng hai tên gọi

Người đàng hạ

Ông Chín Nôm lấy nước ngọt ngay sát mép biển

Dân làng gọi là Sơn Đừng, còn chính quyền thì gọi là Xuân Đừng. Riêng ông Chín Nôm, 87 tuổi, người già nhất làng thì giải thích một cách nôm na:

“Trên núi Khải Lương sau làng kia kìa, cây sơn nhiều vô kể. Đây là loài cây rất ngứa nếu người ở nơi khác đến, không biết đặc tính này mà đụng vô thì thật là nguy.

Ông bà chúng tôi đặt tên Sơn Đừng là có ý dặn rằng ai đến truông cát này, hễ thấy cây sơn thì dừng lại. Vì trước mặt cũng là biển rồi”.

Ông Chín Nôm nhìn xa xăm nói: “Ngày xưa, dân làng lên tận núi Khải Lương để đốt than về đổi gạo, xuống vịnh Vân Phong mò cua bắt ốc.

Giờ thì núi đã hết cây, cua ốc trong vịnh cũng cạn kiệt rồi nên chuyển sang làm thuê cho các chủ lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp. Tui thì chèo ghe chở khách du lịch trên vịnh kiếm chút tiền để đong gạo qua ngày”.

Tổ tiên họ là ai ?

Cả nhà nghiên cứu Trần Viết Kỉnh lẫn Giáo sư Trần Quốc Vượng đều khẳng định Đàng Hạ là một tộc người thiểu số. Có thể tổ tiên họ là chủ nhân của Vương quốc Phù Nam xa xưa, đến thế kỷ 6 thì bị người Champa thôn tính.

người đàng hạ

Bà Trần Thị Mía với khuôn mặt đặc trưng của người Đàng Hạ ở Sơn Đừng

Cũng có thể họ là mảnh vỡ còn sót lại của một tộc người từng là chủ nhân của một nền văn minh rực rỡ nào đó trong quá khứ nhưng bị vụn nát không đủ lực kết nối lại để phục hưng.

Lại có giả thiết nói rằng, tổ tiên của họ là những thuyền nhân từ các nước bị bão tố đánh dạt vào vịnh biển này và họ định cư luôn tại đây.

Vì có một quá khứ rất “tù mù” như thế nên để hiểu ngọn nguồn của bộ tộc này là không đơn giản. Chỉ biết rằng, họ khác biệt rất rõ với người Kinh từ giọng nói, dáng đi, nhất là khuôn mặt.

Da ai cũng đen, tóc xoăn, mũi tẹt, môi dày, mày rậm, bàn chân to bè khác thường, đặc biệt là con ngươi trong mắt ai cũng màu đồng, rất dễ nhận diện.

Khoảng 30 năm trước, cả làng Sơn Đừng chỉ có trên chục gia đình. Họ dựng những ngôi nhà tạm bợ trên cát, mái lợp tranh hoặc lá dừa, vách được thưng bằng cây rừng.

Hỏi sao mấy trăm năm trú ngụ tại đây mà chỉ có từng ấy gia đình? Lão bà Trần Thị Mía (85 tuổi) lý giải: “Nhiều thanh niên khi lớn lên rời làng đi các nơi để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống bức bí hiện tại.

Như tui đây, một lần lên trên Vạn Giã chơi, gặp ông ấy rồi lấy làm chồng, sinh 8 đứa con. Khi ông mất (4 năm trước), tôi lại về làng cũ. Chỉ có những người già mới trở về nơi mình sinh ra”.

Cũng giống như ông Chín Nôm, cụ Mía đã về lại Sơn Đừng sau một cuộc di thực hơn 60 năm.

Ánh sáng cho làng nghèo

Cách đây chừng 15 năm, muốn đặt chân đến ngôi làng này chỉ có hai cách, một là lội bộ chừng 5 km trên những truông cát bỏng chân, hai là đi bằng thuyền.

người đàng hạ

Ông Chín Nôm, người Đàng Hạ cao niên nhất ở Sơn Đừng

Đò giang cách trở nên ở đây không có trường học, không chợ búa và rất nhiều cái “không” khác, trong đó có một cái “không” rất kỳ lạ là không giếng nước dù quanh họ không có sông và suối.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Chín Nôm dẫn ra “bến nước” của làng. Ông dùng tay moi lớp cát sát mép nước biển thành một cái lỗ nông choèn.

Nước từ đâu ùa ra, ngỡ như nước biển thẩm thấu qua cát nhưng không phải. Vốc một ngụm, ông Chín Nôm đánh ực: “Nước ngọt đấy, thử coi”.

Rồi ông kể: “Nước ngọt đây là nhờ ngài Nguyễn Ánh đấy. Lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy ra vùng này để lánh nạn. Quân lương cạn kiệt, nước ngọt cũng chẳng còn giọt nào.

Đêm đó ông lập đàn và khấn trời đất. Cá từ đâu ùn ùn nổi lên. Rồi nước ngọt phun trào ngay mép biển. Quân sĩ đã thoát được hiểm họa đói khát.

Nguyễn Ánh cho người thảo sắc phong rồi nhúng cả bàn tay trái của ông vào nghiên mực để “đóng” lên đó. Sắc phong được người làng cất giữ cẩn thận nhưng sau một vụ hỏa hoạn 30 năm trước, cháy làng, cháy luôn báu vật”.

Cũng là một dạng giai thoại để lý giải vì sao làng không có giếng nước nào mà vẫn tồn tại ngay sát mép biển suốt mấy trăm năm qua.

Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh Nguyễn Thanh Nam cho biết: “Do địa hình toàn cát và khá hiểm trở nên rất khó để phát triển kinh tế cho Sơn Đừng.

Tuy nhiên, mấy năm qua, nhờ du lịch phát triển, nhiều resort mọc lên vùng này, các chủ lồng bè đầu tư lớn tại đây nên dân Sơn Đừng đã có đường nhựa, điện đã kéo về từng nhà nên đã có nước giếng đóng cho hợp vệ sinh.

Con em Sơn Đừng cũng đã được đi học chứ không mù chữ như bố mẹ, ông bà chúng nữa. Một vài thanh niên trong làng cũng đã học tập được cách nuôi cá lồng bè, hy vọng họ sẽ là những đốm lửa thắp sáng xóm nghèo này”.

Trần Đăng (Theo Thanh niên)

BẢN DESKTOP