Dữ liệu y khoa

Bệnh viện công đầu tiên thực hiện thủ thuật thay van động mạch chủ qua da

  • Tác giả : Bạch Dương
(khoahocdoisong.vn) - Ngày 14/10, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã được trao chứng nhận Trung tâm độc lập thực hiện thủ thuật thay van động mạch chủ qua da. Đây là trung tâm thứ hai và là bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng nhận này.
Các bác sĩ đang thực hiện một ca TAVI

Các bác sĩ đang thực hiện một ca TAVI

Đây là kỹ thuật thay van tim hiện đại nhất thế giới, giúp người bệnh giảm đau đớn, các biến chứng trong và hậu phẫu thời gian phục hồi nhanh từ 2-3 ngày, cũng như không để lại sẹo mổ so với phẫu thuật mổ hở. Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da được dùng để điều trị các trường hợp hẹp van động mạch chủ nặng. Trong tương lai có thể dùng cho cả những trường hợp hở van động mạch chủ.

BS Vũ Hoàng Vũ - Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM cho biết, trước đây, những trường hợp người bệnh bị hẹp van động mạch chủ nặng thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật mở ngực. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các thủ thuật ít xâm lấn ngày càng được phát triển và áp dụng trong thực tế giúp giảm nguy cơ của phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện, đem lại sự tiện lợi thoải mái cho cả người bệnh và thầy thuốc.

Thời gian gần đây, kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) được nghiên cứu và ứng dụng trong thực hành lâm sàng ở các nước tiên tiến cũng như tại Việt Nam. Trong thời gian đầu triển khai kỹ thuật này, cần sự chuyển giao kỹ thuật từ các trung tâm có nhiều kinh nghiệm và các chuyên gia trên thế giới. Khi một trung tâm đạt được những kỹ năng cần thiết thì sẽ được cấp giấy chứng nhận là trung tâm độc lập làm thủ thuật này.

Theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM, để thực hiện độc lập kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da, Bệnh viện đã thành lập một ê kíp đa chuyên khoa để phát triển kỹ thuật TAVI bao gồm bác sĩ tim mạch can thiệp, phẫu thuật viên tim mạch, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng và kỹ thuật viên phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với nhau. Từ ca thay van động mạch chủ qua da đầu tiên vào tháng 12/2015, đến nay, đã có 15 trường hợp được ê kíp bệnh viện cứu chữa thành công nhờ kỹ thuật tiên tiến này.

Người bệnh đầu tiên được thay van bằng phương pháp TAVI tại Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM là ông T.S.C (81 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Bệnh nhân nhập viện cấp cứu vào chiều ngày 28/12/2015 vì khó thở. Trong vòng một tháng trước đó, ông thường xuyên bị nặng ngực, thở gắng sức. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị suy tim mức độ III do hẹp van động mạch chủ nặng, đồng thời mang bệnh mạn tính là tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2, bệnh thận mạn. Đến ngày 30/12/2015, ông C là người bệnh đầu tiên được thay van động mạch chủ qua ống thông. Trong buổi chiều cùng ngày ông đã tỉnh lại, tiếp xúc tốt, mọi dấu hiệu hoạt động của tim qua siêu âm, điện tim đều trở về mức bình thường. 

Cũng trong ngày 14/10/2019, Trung tâm tim mạch đã thực hiện thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh N.V.A (60 tuổi, ngụ tại TPHCM). Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt, khó thở, đau ngực khi gắng sức. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ của chỉ có 2 mảnh (van tim bình thường có 3 mảnh). Sau khi hội chẩn, đội ngũ bác sĩ chỉ định thực hiện kỹ thuật TAVI để điều trị tối ưu cho người bệnh. 

Theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, từ 60 tuổi trở lên, van tim bắt đầu bị thoái hóa. Các van tim dễ bị tổn thương và gây ra tình trạng hẹp van hoặc hở van. Khi van động mạch chủ bị hẹp, người bệnh thường có triệu chứng mệt, khó thở, có khi đau ngực, ngất. Nếu người bệnh không điều trị thì tỷ lệ tử vong sau 2-3 năm rất cao. Biện pháp điều trị truyền thống là phẫu thuật đặt van tim (mổ hở). Tuy nhiên, đây là một cuộc phẫu thuật lớn (phải mở lồng ngực và dùng máy tim phổi nhân tạo), thường kéo dài từ 3-4 giờ, thời gian nằm viện khoảng 2 tuần, sau 1-2 tháng mới hồi phục. Những người bệnh cao tuổi, có kèm các bệnh lý khác (như bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gan …) thì khó chịu đựng được những phẫu thuật như vậy. Trong khi đó, với kỹ thuật TAVI, người bệnh sẽ được gây tê khi thực hiện kỹ thuật thay cho gây mê. Bác sĩ sẽ dùng ống thông đi qua động mạch đùi vào bên trong tim. Bên trong ống thông có một van tim nhân tạo được để sẵn, khi ống thông và van tim nhân tạo vào đúng vị trí thì van nhân tạo này sẽ được bung ra thay thế cho van động mạch chủ cũ bị hẹp.

Bạch Dương

BẢN DESKTOP