Trong nước

Bệnh truyền nhiễm “tăng nhiệt” cùng nắng nóng: Phòng tránh thế nào?

  • Tác giả : B.Châu (T/h)
Cứ vào mùa nắng nóng, các bệnh về đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm lại có xu hướng gia tăng. Do đó, người dân cần chủ động phòng bệnh, không để bệnh lây lan thành dịch.

Mùa hè năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng hơn mọi năm, diễn ra trên diện rộng, là điều kiện để dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Bệnh truyền nhiễm “tăng nhiệt”

Tại các bệnh viện, số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết… gia tăng.

Ngày 11/6, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhân đến từ Bắc Kạn. Đó là 2 bố con cùng được Chẩn đoán: Viêm màng não- Nhiễm khuẩn huyết. Trước đó ít ngày, mẹ và con gái bệnh nhân đã tử vong cùng triệu chứng ban đầu như sốt cao, đi ngoài phân lỏng, kèm theo nổi ban xuất huyết…

Hai bố con ở Bắc Kạn nghi mắc viêm não mô cầu đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: BVCC

Hai bố con ở Bắc Kạn nghi mắc viêm não mô cầu đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: BVCC

Th.s BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu cho biết, 2 bệnh nhân đều đã được chọc dịch não tủy, cho thấy dịch đục. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm màng não do Não mô cầu. Sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, 2 bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi và điều trị. Theo Bác sĩ Bắc, đối với 2 người trong gia đình bệnh nhân đã tử vong đều chưa xác định được căn nguyên nhưng nguy cơ cao có thể do nhiễm não mô cầu.

Trước đó, Hà Nội cũng ghi nhận ca nhiễm viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Bệnh nhân nam (22 tuổi, ở thị xã Sơn Tây) khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt, có cơn rét run.

Hai ngày sau, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, cơn 1-2 phút, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ, lơ mơ, cứng gáy… Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng của bệnh nhân cho kết quả, dương tính với não mô cầu.

Ngoài não mô cầu, mùa hè cũng là mùa của viêm não Nhật Bản. Đầu tháng 6/2024, Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2024. Đây là bệnh nhân nam (12 tuổi, tại Phúc Thọ), khởi phát bệnh ngày 31/5 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đến ngày 1/6 xuất hiện cứng gáy, đi lại loạng choạng. Ngày 2/6, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy cho kết quả dương tính với vi rút viêm não Nhật Bản.

Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt, bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%) như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một số người sống sót.

Từ đầu năm tới nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 50 ca viêm não và hàng trăm ca viêm màng não do virus, vi khuẩn. Bệnh viêm màng não nguy hiểm ở chỗ có thể lây qua đường hô hấp, triệu chứng lâm sàng thường dễ bị nhầm sang bệnh khác. Nhiều cha mẹ chủ quan, bỏ qua triệu chứng ban đầu của viêm não, vì vậy, trẻ thường đến bệnh viện muộn.

Thời gian qua, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ nhỏ mắc viêm màng não.

Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 6 năm 2024, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh lý này đã tăng lên gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo BSCKI. Phùng Thị Phương Ngọc - Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viêm màng não nguy hiểm ở chỗ bệnh có thể lây qua đường hô hấp và các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết là vô cùng cần thiết - Ảnh minh hoạ

Thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết là vô cùng cần thiết - Ảnh minh hoạ

Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 7/6 đến 14/6), toàn thành phố ghi nhận 38 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, tăng 4 trường hợp so với tuần trước (34/0).

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 783 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (408/0).

CDC Hà Nội nhận định, điều kiện thời tiết chuyển mùa hè, thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.

Chủ động bảo về sức khỏe, phòng bệnh mùa nắng nóng

Để phòng, tránh hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế. Trong đó, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vắc-xin như: viêm não Nhật Bản, viêm màng não, thủy đậu… Đồng thời, quan tâm công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng chứa nước không cần thiết và những nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển. Thực hiện ăn chín uống sôi, lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo chất lượng, không ăn các loại thực phẩm sống như: gỏi, tiết canh... Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Đối với bệnh viêm màng não, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vaccine đủ và đúng lịch. Các vaccine có thể phòng bệnh viêm màng não bao gồm vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa, vaccine 6 trong 1 Hexaxim, vaccine 5 trong 1 Pentaxim, vaccine ngừa viêm màng não do vi khuẩn phế cầu (vaccine Synflorix), vaccine ngừa viêm màng não do não mô cầu nhóm BC (vaccine Mengoc), vaccine ngừa viêm não Nhật Bản (vaccine Jevax, Imojev), vaccine ngừa cúm…..

Ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe (đặc biệt là trong thời gian giao mùa) cần cho trẻ tới thăm khám tại bệnh viện kịp thời, tránh trường hợp để xảy ra các tình huống đáng tiếc.

B.Châu (T/h)

BẢN DESKTOP