Bị bệnh rồi vẫn có thể tái nhiễm nếu tiếp xúc nguồn lây
Bệnh tay chân miệng là bệnh lý do virus cấp tính, chủ yếu là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường tăng mạnh vào hai giai đoạn: Tháng 3 – 5 và tháng 9 – 12.
Triệu chứng ban đầu của trẻ mắc tay chân miệng thường là: Sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn...
Những dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với: Viêm da bóng nước do vi khuẩn/virus khác; Bệnh thủy đậu... Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao khi trẻ có biểu hiện bất thường.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc, bao gồm: Chất lỏng trong mụn nước; Giọt bắn từ ho, hắt hơi, nói chuyện; Tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus; Thức ăn hoặc nước bị nhiễm virus; Phân người bệnh.
![]() |
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng - Ảnh minh họa |
Lưu ý đặc biệt:
- Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần thông báo với giáo viên và cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn, tất cả mụn nước đã khô.
- Trẻ có thể tái nhiễm nhiều lần do mỗi lần nhiễm chỉ sinh ra kháng thể với một loại virus cụ thể.
- Dù có hoặc không có triệu chứng, trẻ sau khi mắc bệnh vẫn có kháng thể, nhưng lượng này không nhiều và không bền vững, trẻ vẫn có nguy cơ tái nhiễm nếu tiếp xúc nguồn lây.
Kháng sinh không có tác dụng điều trị
Đây là bệnh do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng trong điều trị tay chân miệng.
Nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ, cụ thể:
Hạ sốt, giảm đau: Paracetamol hoặc Ibuprofen (không dùng Ibuprofen cho trẻ < 6 tháng tuổi). Tuyệt đối không dùng Aspirin vì nguy cơ gây hội chứng Reye – có thể dẫn đến tử vong.
Giảm đau miệng, giúp trẻ ăn uống: Có thể sử dụng gel antacid để chấm lên các vết loét trong miệng giúp giảm đau khi ăn. Lưu ý nguy cơ sặc khi dùng loại thuốc này.
Giảm ngứa ngoài da: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin để làm dịu cơn ngứa.
Bù nước, tăng đề kháng: Cho trẻ uống đủ nước, sữa, nước điện giải, nước ép. Với trẻ dưới 1 tuổi, nên bú mẹ hoàn toàn để bù nước và tăng cường miễn dịch.
![]() |
Thăm khám cho trẻ nhiễm bệnh - Ảnh minh họa |
Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám gấp
Không phải mọi ca tay chân miệng đều nhẹ. Có những triệu chứng cảnh báo giai đoạn nặng, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:
Quấy khóc liên tục, khó ngủ: Trẻ quấy suốt đêm hoặc cứ ngủ 15 – 20 phút lại dậy khóc; Không phải do đau miệng đơn thuần mà là dấu hiệu sớm của nhiễm độc thần kinh.
Sốt cao không hạ sau 48h: Trẻ sốt trên 38,5°C liên tục > 2 ngày, không đáp ứng Paracetamol. Có thể cần thuốc hạ sốt mạnh hơn chứa Ibuprofen theo chỉ định bác sĩ.
Hay giật mình bất thường: Dù đang chơi đùa hay ngủ, trẻ vẫn giật mình liên tục. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiễm độc thần kinh.
Ngay khi thấy 1 trong 3 dấu hiệu trên, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Phòng bệnh – cách tốt nhất bảo vệ trẻ
Chăm sóc trẻ kỹ lưỡng và giữ vệ sinh là cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả:
Rửa tay thường xuyên với xà phòng khử khuẩn: Trước khi ăn; Sau khi đi vệ sinh; Sau khi ho, hắt hơi, xì mũi; Sau khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người khác.
Không dùng chung vật dụng cá nhân: Ly, khăn, bàn chải, quần áo, đồ chơi...
Che miệng đúng cách khi ho, hắt hơi: Dạy trẻ dùng khăn giấy và vứt đúng nơi quy định.
Vệ sinh thường xuyên: Khử khuẩn đồ chơi, khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch an toàn.
Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ em, có thể tự khỏi nhưng không được chủ quan vì tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng nếu không theo dõi kỹ.
Các bậc phụ huynh hãy trang bị kiến thức đầy đủ; Chủ động phòng ngừa; Theo dõi sát những dấu hiệu cảnh báo sớm.
Nếu trẻ có biểu hiện bất thường, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
BSCKII Lý Vũ Thị Bảo Thanh (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam)