Đời sống

Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng tại Hà Nội

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 744 trường hợp mắc tay chân miệng. Số ca bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố.

Bệnh tay chân miệng có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻBệnh tay chân miệng có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ

Ông Nguyễn Anh Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội nằm trong tầm kiểm soát, không ghi nhận các ổ dịch lớn.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này đã ghi nhận 744 trường hợp mắc bệnh.

Để chủ động phòng chống dịch tay chân miệng, người dân cần nâng cao sức đề kháng và tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Đặc biệt, cần lưu ý triển khai vệ sinh môi trường thường xuyên tại các nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm và chăm sóc trẻ đúng cách để giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy là cách tốt nhất để phòng bệnh tay chân miệngThường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy là cách tốt nhất để phòng bệnh tay chân miệng

Cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ tốt nhất là cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày.

Đôi bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã…

Vì bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…

Đặc biệt, cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi…

Thường xuyên rửa sạch đồ chơi của trẻ, lau sạch sàn nhà, tay nắm cửa, các dụng cụ, bề mặt trẻ hay tiếp xúc bằng xà phòng.

Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không được đưa trẻ đến lớp, đến nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Theo Linh Nhi/giadinhmoi.vn

BẢN DESKTOP