Dữ liệu y khoa

Bệnh nhân viêm khớp tự miễn lưu ý khi tiêm phòng

  • Tác giả : Hương Lan
(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm nên số người mắc bệnh cơ xương khớp rất nhiều, nhiều người phải điều trị căn bệnh này suốt đời. Người bệnh xương khớp đang sử dụng thuốc khi tiêm phòng văcxin phòng Covid-19 cần lưu ý những gì? Dưới đây là lời khuyên của ThS.BSCKII Nguyễn Việt Khoa, Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Bệnh nhân đang điều trị bệnh vẫn nên tiêm phòng văcxin

Bệnh nhân mắc bệnh lý khớp viêm tự miễn và các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, bệnh lupus… nên tiêm văcxin phòng Covid-19 vì có nguy cơ cao bị nhiễm Covid-19 nặng, phải nhập viện và kết quả điều trị thường xấu hơn so với những người bình thường. Ngoại trừ các trường hợp có tiền sử dị ứng với một trong các thành phần của văcxin, còn lại không có chống chỉ định nào khác đối với việc tiêm chủng Covid-19. Việc tiêm chủng ngừa Covid-19 nên được thực hiện càng sớm càng tốt bất kể ở mức độ bệnh nào, kể cả khi người bệnh đang có đợt bùng phát. Trừ khi họ đang có nguy cơ bị đe dọa tính mạng (ví dụ như đang phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực). Tuy nhiên, việc chủng ngừa tốt nhất là thực hiện ở những người đã đạt kiểm soát bệnh nền tốt.

Nhiều người bệnh đặt câu hỏi, liệu văcxin ngừa Covid-19 có an toàn cho người bệnh mắc bệnh viêm khớp tự miễn và bệnh tự miễn hay không vì những bệnh nhân này thường đang được điều trị bằng các thuốc điều hòa miễn dịch, không được đưa vào thử nghiệm lâm sàng văcxin. Theo các nghiên cứu, văcxin là an toàn và hiệu quả trong dân số chung và việc loại trừ không thử nghiệm trên các quần thể bệnh nhân là bình thường đối với tất cả các loại này.

Theo Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ ACR, không có bằng chứng trực tiếp về tính an toàn và hiệu quả của văcxin mRNA Covid-19 ở bệnh nhân thấp khớp và bệnh khớp viêm tự miễn nhưng cũng không thấy tác hại lớn hơn lợi ích mà văcxin Covid-19 mang lại. Dựa trên những thực tế mà các chuyên gia biết được về cách đáp ứng của bệnh nhân với các loại văcxin khác (như văcxin cúm) mà người ta có thể cho rằng, văcxin Covid-19 sẽ không phát huy tối đa ở những người đang sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến chức năng hệ miễn dịch. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là văcxin Covid-19 không tác dụng mà chỉ là văcxin hoạt động kém hơn so với những người không dùng các thuốc ức chế miễn dịch mà thôi.

Theo ACR khuyến cáo, đáp ứng kỳ vọng của văcxin Covid-19 đối với những bệnh nhân có các bệnh lý tự miễn và khớp viêm đang điều trị các thuốc điều hòa miễn dịch thường thấp hơn về cả cường độ, thời gian so với quần thể chung. Nhưng ngay cả khi văcxin không bảo vệ họ ở mức tương đương so với những người cùng tuổi, cùng giới mà không bị bệnh như họ, thì điều đó không có nghĩa là văcxin không có giá trị. Trên thực tế đã có những người bệnh bị tái bùng phát bệnh nền mặc dù trước khi tiêm văcxin Covid-19, bệnh nền đã được kiểm soát tốt. Trong trường hợp này có hai khả năng xảy ra: 

- Một là do sự thay đổi đáp ứng miễn dịch của cơ thể sau tiêm văcxin gây bùng phát hoặc làm tình trạng bệnh nền trở nên tệ hơn. 

- Hai là do một sự trùng lặp ngẫu nhiên vì trước và sau tiêm văcxin Covid-19, người bệnh đã phải tạm ngừng sử dụng các thuốc điều hòa miễn dịch. 

Mặc dù vậy, so với mức độ nghiêm trọng của nhiễm Covid-19 thì lợi ích của việc tiêm chủng vẫn lớn hơn nguy cơ bùng phát hoặc trầm trọng hơn của bệnh nền.

Bệnh nhân bị bệnh cơ xương khớp nói chung và bệnh khớp tự miễn hoặc bệnh tự miễn dịch nên tiêm văcxin ngừa Covid-19, phù hợp với giới hạn độ tuổi quy định của Việt Nam. Hiện nay, chưa có loại văcxin Covid-19 nào được ưu tiên sử dụng cho nhóm người bệnh này. Do đó, người bệnh có thể tiêm được một trong các loại văcxin có sẵn. Đối với tiêm văcxin nhiều liều, những bệnh nhân có các bệnh lý tự miễn hoặc khớp viêm nên được nhận liều tiêm thứ 2 cùng loại với liều tiêm thứ 1, thậm chí ngay cả khi với liều tiêm thứ 1 có một số tác dụng không mong muốn không nặng. Thời gian giữa các liều được chỉ định theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh.

Lưu ý trước và sau khi tiêm văcxin

Khai báo lịch sử bệnh lý và tình trạng hiện tại, các loại thuốc đã và đang sử dụng, cũng như đầy đủ các thông tin sức khoẻ bản thân cho bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng. Người bệnh cần theo dõi, ghi nhận các dấu hiệu phản ứng sau tiêm, báo ngay cho bác sĩ tiêm chủng và bác sĩ quản lý điều trị bệnh nền, đồng thời đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí các phản ứng nặng. Không áp dụng bất cứ biện pháp dự phòng phản ứng sau tiêm nào chưa được Bộ Y tế khuyến cáo, bao gồm việc uống thuốc chống đông máu, uống aspirin. Sau khi tiêm văcxin phòng Covid-19, người bệnh vẫn phải tiếp tục tuân theo tất cả các hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa chuẩn trong cộng đồng, đó là Thông điệp 5K tại Việt Nam.

Các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với người mắc bệnh khớp viêm tự miễn và các bệnh tự miễn dịch cần được tiêm chủng ngừa Covid-19 để tạo điều kiện hình thành miễn dịch cộng đồng, giúp bảo vệ người bệnh tốt hơn và góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Hương Lan

BẢN DESKTOP