Sưng cổ, sốt cao không ngờ vi khuẩn ăn thịt người
Thời gian vừa qua Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thu dung và điều trị bệnh nhân A.D, 50 tuổi, được chẩn đoán: Áp xe vùng cổ gáy trái, và lưng do Burkholderia pseudomallei (hay còn gọi là bệnh Whitmore).
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng: Sốt cao, khối vùng cổ trái sưng đau, bề mặt căng, không đau ngực, không khó thở, không nôn. Sau khi được các bác sĩ của Khoa Bệnh Cấp tính và cấp cứu (A1C) điều trị tích cực 10 ngày khối áp xe sưng nề giảm, sờ mềm ấn đau, không tấy đỏ, vùng gáy trái ấn đau, sưng nề nhẹ. Chụp MRI vùng cổ: Hình ảnh các ổ áp xe ở vùng cổ trái dọc cơ ức đòn chũm, khối cơ hai bên vùng cổ sau và lưng. Sau khi chọc dịch ổ áp xe làm xét nghiệm cấy khuẩn phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei .
Bệnh nhân được chích rạch ổ áp xe. Sau chích rạch ổ áp xe 01 ngày, bệnh nhân chuyển xuống khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa trong tình trạng còn sốt nhẹ, tại vị trí chích rạch cổ trái có dịch thấm băng ít, còn ít giả mạc trắng, chưa có tổ chức hạt và chưa có chỉ định khâu đóng vết mổ.
Bệnh nhân được cách ly và điều trị tích cực với kháng sinh liều cao, bổ sung truyền khối hồng cầu, huyết tương tươi và đạm nuôi dưỡng. Hiện tại bệnh nhân còn sốt nhẹ, đỡ thiếu máu, không phù, không xuất huyết dưới da, không đau ngực, không khó thở, tại vị trí chích rạch cổ và lưng trái còn sưng nề, dịch vàng thấm băng có ít giả mạc.
Bệnh nhân bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công cổ: Bác sĩ chỉ cách tránh |
Dễ nhiễm khuẩn huyết và tử vong
Bệnh whitmore là bệnh: Do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn có trong đất và nước thuộc các vùng nhiệt đới, nhất là khu vực Đông nam Á và bắc Úc. Con người và loài vật khác bị nhiễm bệnh do phơi nhiễm với vi khuẩn này trong môi trường.
Nguyên nhân gây bệnh: Burkholderia pseudomallei là 1 loại trực khuẩn gram âm tồn tại trong các môi trường đất, nước, không khí (bụi) ở các điều kiện môi trường khác nhau. Cơ thể cảm thụ dễ mắc bệnh hơn trong các điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt: Mưa, bão
Nguồn truyền nhiễm: Nguồn truyền nhiễm của bệnh tồn tại trong tự nhiên. Vi khuẩn có trong đất, nước ô nhiễm, bụi trong không khí.
Đường lây truyền: Bệnh lây chủ yếu qua đường da, niêm mạc xây xát khi tiếp xúc với vi khuẩn có trong đất, nước, chất bẩn khi tiếp xúc mà không có phương tiện bảo hộ (nông dân làm việc trên các đồng ruộng, những người tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn như binh lính...). Qua hô hấp khi hít phải bụi có chứa vi khuẩn, qua tiêu hóa khi uống các nguồn nước nhiễm bẩn. Lây truyền trực tiếp giữa người với người, người với động vật hiếm khi xảy ra.
Chia sẻ thêm về căn bệnh này, Đại tá TS.Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, khuyến cáo: “Bệnh Whitmore có đặc trưng là: sốt, viêm phổi và áp-xe nhiều cơ quan, mức độ bệnh từ các nhiễm trùng nhẹ, khu trú cho đến nhiễm khuẩn huyết và tử vong nhanh chóng”.
Bệnh có các triệu chứng điển hình như:
- Sốt: >39 độ C
- Vẻ mặt nhiễm trùng, mệt mỏi.
- Các biểu hiện nặng của sốc nhiễm khuẩn: Mạch nhanh, nhỏ khó bắt hoặc rất chậm. Huyết áp tụt, kẹt, không đo được.
- Có biểu hiện giống lao phổi với sốt, sụt cân, ho có đờm, có khi ho ra máu, thâm nhiễm thùy trên phổi có hoặc không tạo hang trên phim X quang.
- Thường có diễn biến lở loét, hoại tử lan rộng (nên người dân gọi là bệnh do vi khuẩn ăn thịt người)
- Triệu chứng và dấu hiệu của viêm khớp và viêm xương tủy xương có thể là biểu hiện ban đầu khiến bệnh nhân nhập viện điều trị. Theo đó, khớp gối là vị trí nhiễm trùng thường gặp nhất, sau đó là mắt cá chân, khớp hông và khớp vai.
Để phòng ngừa bệnh Whitmore, người dân cần lưu ý:
- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng trước lũ.
- Nên mang ủng, găng tay khi đi xuống ruộng với những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn đất, nước bẩn.
- Khi có vết thương hở, vết loét,... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Đặc biệt, những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp”.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Hằng (Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa – Viện LSCB Truyền nhiễm – Bệnh viện TWQĐ 108)