Một số ít người trên thế giới mắc hội chứng lên men ruột, họ bị say dù không hề uống rượu.
Một phụ nữ được phát hiện mắc hội chứng trên sau khi bị bắt vì lái xe trong tình trạng say rượu ở New York (Mỹ). Nồng độ cồn trong máu của cô cao gấp 4 lần mức giới hạn luật định. Cô không bị buộc tội vì các xét nghiệm y tế cho thấy hội chứng “không uống rượu vẫn say” gây ra hiện tượng trên.
Những người mắc hội chứng trên thường có da đỏ hoặc ửng hồng, chóng mặt, mất phương hướng, đau đầu, buồn nôn, ói mửa, mất nước, khô miệng, ợ hơi, mệt mỏi, giảm trí nhớ, mất tập trung, thay đổi tâm trạng.
Lâu dài, hội chứng “không uống rượu vẫn say” có thể dẫn tới mệt mỏi mạn tính, hội chứng ruột kích thích, trầm cảm, lo âu.
Nguyên nhân do cơ thể bệnh nhân tạo ra rượu (ethanol) từ tinh bột. Quá trình này xảy ra bên trong ruột do có một loại nấm men xuất hiện quá nhiều.
Ở một số người, gan có vấn đề nên không thể đào thải rượu đủ nhanh. Ngay cả một lượng nhỏ rượu do men ruột tạo ra cũng dẫn đến các triệu chứng.
Trẻ mắc hội chứng ruột ngắn cũng có nguy cơ cao. Một bé gái 3 tuổi bị say sau khi uống nước trái cây.
Các lý do khác khiến cơ thể có nhiều nấm men là cung cấp không đủ chất dinh dưỡng, dùng thuốc kháng sinh, bệnh viêm ruột, tiểu đường, hệ miễn dịch hoạt động kém…
Để chữa trị, bệnh nhân nên giảm lượng tinh bột trong chế độ ăn uống. Điều trị các bệnh tiềm ẩn như Crohn giúp cân bằng nấm trong ruột.