Trong nước

Bé trai chào đời nặng 5,4kg bị hạ đường huyết, suy hô hấp

  • Tác giả : Thúy Nga
Bé có cân nặng lớn khi sinh ra nhưng gặp rất nhiều biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường thai kì bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh sớm. Vì vậy, các mẹ cần chú ý.

Chàng trai 5,4kg và cuộc chiến kéo dài 15 ngày với tình trạng suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh và những biến chứng của đái tháo đường thai kì

Sau 15 ngày được chăm sóc, điều trị tích cực tại khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương sức khoẻ của bé Bự (biệt danh của bé được các mẹ ở Khoa Nhi đặt cho con) đã ổn định và đã được xuất viện về với gia đình.

Trước đó bé chào đời vào ngày 9/4 (con sản phụ 36 tuổi, đái tháo đường thai kì không kiểm soát) tại Khoa Phụ Sản Bệnh viện đa khoa Hùng Vương bằng phương pháp sinh mổ với cân nặng 5,4kg tuy nhiên ngay sau sinh con rơi vào tình trạng hạ đường huyết, tím tái và suy hô hấp.

Bé được hồi sức tích cực tại phòng đẻ bởi bác sĩ và điều dưỡng khoa nhi, tiêm vitamin K. Sau khoảng 30 phút cấp cứu tại phòng đẻ, trẻ được chuyển sang phòng điều trị đơn nguyên sơ sinh. Tại phòng điều trị sơ sinh bé được theo dõi đặc biệt, thực hiện các biện pháp hồi sức, chăm sóc trẻ sơ sinh suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh sớm.

Sau 15 ngày chăm sóc tích cực trẻ đã ổn định - Ảnh BVCC

Sau 15 ngày chăm sóc tích cực trẻ đã ổn định - Ảnh BVCC

Bé được thực hiện việc nuôi dưỡng trong lồng ấp ngay khi sang tới khoa nhi nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ hạ thân nhiệt cho trẻ. Nuôi dưỡng tĩnh mạch ngay trong 2 giờ đầu sau sinh phòng tình trạng hạ đường huyết sơ sinh, hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập.

Khi hỗ trợ hô hấp cho trẻ nhưng tình trạng hô hấp đáp ứng không tốt, với kinh nghiệm và chuyên môn các bác sĩ đã thực hiện phương pháp bơm chất hoạt diện phổi (surfactant) cho trẻ ngay sau 4 giờ sau sinh, sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn sớm.

Sau bơm Surfactant tình trạng hô hấp của trẻ cải thiện khá tốt, đáp ứng tốt với thở máy CPAP và sau đó 5 ngày trẻ đã dần cai được CPAP và chuyển sang oxy gọng mũi liều 5l/p. Những ngày đầu bé được ăn sữa qua sonde dạ dày và dần được rút sonde chuyển ăn sữa bình và bú mẹ.

Trong suốt quá trình điều trị, trẻ luôn được theo dõi sát bởi các điều dưỡng khoa nhi 24/7 bằng hệ thống theo dõi monitoring liên tục. Sau 10 ngày điều trị và theo dõi sát trẻ đã được ở ghép cùng mẹ tại phòng điều trị riêng theo yêu cầu.

Hiện tại sau 15 ngày điều trị trẻ diễn biến khá tốt, ăn bú tốt, đại tiểu tiện tốt, và được ra viện trong sự hạnh phúc không chỉ của gia đình bé mà cả các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi. Ngoài ra các bác sĩ cũng hướng dẫn cho mẹ cách chăm sóc tại nhà, theo dõi sự phát triển tăng trưởng của trẻ và tái khám tại Bệnh viện.

BS Trần Thị Cườm, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú thọ - người trực tiếp điều trị cho bé cho biết: bé có cân nặng lớn khi sinh ra nhưng gặp rất nhiều biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường thai kì bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh sớm.

Với các sản phụ bị đái tháo đường thai kì sơ sinh khi sinh ra sẽ đối mặt các bệnh lý nguy hiểm như bệnh màng trong, suy tuần hoàn, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não, rối loạn thân nhiệt, nhiễm trùng, hạ đường huyết…

Do vậy các mẹ cần kiểm tra định kì khi mang thai và kịp thời phát hiện để có chế độ điều trị phù hợp. Và để điều trị được các bé có biến chứng nặng như vậy cần phải có nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao về cấp cứu và hồi sức sơ sinh, thở máy, cơ sở y tế phải có các trang thiết bị máy móc thiết yếu, hiện đại như máy thở, thuốc Surfactant, lồng ấp, hệ thống phòng đảm bảo chất lượng điều trị sơ sinh.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP