Y học và đời sống

Bé trai 11 tuổi tử vong sau 2 tháng bị chó dại cắn

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh dại, vì vậy khi virus dại tấn công lên thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong lên tới 100%.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã này vừa có 1 cháu bé tử vong do bị chó dại cắn.

Nạn nhân là bé trai N.V.P. 11 tuổi. Trước đó bố mẹ đi làm xa nên bé P. được gửi về nhà ông bà nội ở xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương) sinh sống.

Theo điều tra dịch tễ, vào đầu tháng 10, bé P. bị chó nhà ông bà nội cắn. Người thân sau đó đã xử lý vết thương rồi đưa đến nhà 1 thầy lang để lấy thuốc nam uống thay vì đến cơ sở y tế tiêm vaccine phòng dại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khoảng 1 tháng sau khi cắn bé P. con chó phát bệnh dại rồi cào cấu 1 bé 11 tuổi hàng xóm. Ít ngày sau, con chó này bỏ đi.

Hơn 1 tuần trước, bé P. bắt đầu lên cơn sốt và có nhiều triệu chứng của bệnh dại. Gia đình lập tức đưa bé P. đến Bệnh viện huyện Thanh Chương rồi chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An để chữa trị. Tuy nhiên, đến ngày 30/11, bé P. tử vong.

“Ngoài trường hợp cháu bé đã tử vong, còn 1 cháu bé khác cũng bị con chó này cào bị thương, nhưng gia đình không đưa đi tiêm phòng mà cũng lấy thuốc Nam về uống phòng bệnh dại. Hôm qua, chúng tôi đã đến tận nhà đề nghị gia đình này đưa cháu đi tiêm phòng để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc”, Chủ tịch xã Thanh Đức nói.

Cách phòng ngừa bệnh dại

Các chuyên gia về y tế khuyến cáo để phòng tránh bệnh dại, cần lưu ý những vấn đề sau:

Do phần lớn các trường hợp bị dại là do chó cắn nên để phòng ngừa bệnh thì việc đầu tiên cần làm đó là tiêm vắc xin để phòng bệnh cho chó, mèo. Đây là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả cao nhưng lại có thể mang lại hiệu quả rất tốt đối với cả động vật nuôi và người.

Nâng cao nhận thức về bệnh dại: Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, vì thế, cần đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của bệnh và sự quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Mỗi gia đình có vật nuôi lại càng cần chú ý về vấn đề này, đồng thời cũng cần tìm hiểu thông tin về việc phòng tránh chó cắn hay sơ cứu khi bị chó cắn,…

Phòng tránh chó cắn bằng những phương pháp như đeo rọ mõm cho chó, xích chó lại khi dắt ra đường. Nếu gặp chó dữ, bạn cần lưu ý không nên bỏ chạy, vì càng chạy thì chó sẽ càng bị kích thích bản năng săn mồi và càng trở nên hung dữ. Lúc này, bạn nên đứng yên, nhìn lảng đi nơi khác và để 2 tay 2 bên với tư thế giống như một cái cây. Trường hợp chó đã bắt đầu cắn thì nên đánh hoặc đá vào cổ họng của chúng để tự vệ.

Tiêm chủng cho người: Nhờ có vắc xin phòng bệnh dại, chúng ta đã có thể ngăn chặn được hàng trăm nghìn ca tử vong do căn bệnh này. Những trường hợp cần được tiêm phòng bao gồm:

Nhân viên tiếp xúc với người mắc bệnh dại.

Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và xử lý virus gây bệnh.

Kiểm lâm động vật hoang dã.

Người đã tiếp xúc hoặc bị cắn bởi động vật nghi ngờ mang mầm bệnh.

Giang Thu (Tổng hợp)

BẢN DESKTOP